Ngày 21/11, sau hơn một tuần xét xử và nghị án, TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên giữ nguyên bản án 8 năm tù của TAND tỉnh An Giang đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường) về tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới theo Điều 189 Bộ luật Hình sự. Đây là một trong 6 vụ án mà bà Hạnh bị cáo buộc cầm đầu.
Tòa cũng bác đơn xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên y án 4 năm tù đối với các đàn em của Hạnh là Phạm Thanh Sang, Hồ Tuấn Linh, Nguyễn Văn Lê, Nguyễn Văn Minh (31-41 tuổi).
Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay lập tức, xác định tòa sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo là phù hợp, đúng theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo khác tại tòa, có đủ cơ sở xác định Hạnh là người tổ chức, chỉ đạo bị Sang, Linh, Lê, Minh vận chuyển trái phép 470.000 USD từ Campuchia về Việt Nam.
Theo hồ sơ, Phạm Thanh Sang, Hồ Tuấn Linh, Nguyễn Văn Lê, Nguyễn Văn Minh làm thuê cho bà Kim Hạnh và chị gái từ năm 2018, đã nhiều lần vận chuyển hàng hóa, tiền tệ từ Campuchia về Việt Nam cho Hạnh và được trả tiền công 3-4 triệu đồng một tháng.
Ngày 24/6/2019, Kim Hạnh chỉ đạo họ qua Campuchia gặp người tên Cốp, Tuot nhận 470.000 USD đưa về Việt Nam. Sáng cùng ngày, bộ đội biên phòng tuần tra khu vực vành đai biên giới rạch Chắc Ri (phường Vĩnh Nguơn, TP Châu Đốc) phát hiện các bị cáo chạy vỏ lãi từ hướng Campuchia về Việt Nam có biểu hiện nghi vấn nên ra tín hiệu dừng để kiểm tra.
Cả nhóm lập tức quay ngược hướng, bỏ chạy về phía Campuchia. Trong đó, một người ném túi nylon có 470.000 USD lại. Giữa năm 2021, Sang, Linh ra đầu thú, thừa nhận đã tham gia vận chuyển số ngoại tệ trên. Lê và Minh sau đó bị bắt do liên quan vụ án buôn lậu 51 kg vàng xảy ra ngày 30/10/2020.
Hồi tháng 2, Hạnh và đồng phạm bị TAND tỉnh An Giang đưa ra xét xử sơ thẩm. Bị cáo sau đó kháng cáo kêu oan, còn các đồng phạm xin giảm nhẹ hình phạt.
Hôm 14/11, TAND Cấp cao mở phiên xử xem xét kháng cáo của các bị cáo. Tại tòa, bà Hạnh giữ nguyên quan điểm kêu oan. Ngoài ra, bị cáo này khai thêm tình tiết mới, cho rằng chủ mưu của vụ án là một người phụ nữ 62 tuổi và người đàn ông 70 đều ngụ ở TP Châu Đốc An Giang.
Hạnh cho rằng, hai người này đã thuê đàn em của mình vận chuyển 500.000 USD chứ không phải 470.000 USD như biên phòng bắt giữ. Quá trình đàn em của Hạnh vận chuyển tiền qua biên giới có sự giúp sức của một cán bộ biên phòng và người quen của ông này. Chính cán bộ biên phòng này là người báo công an bắt nhóm đàn em của Hạnh.
Ngoài ra, cán bộ biên phòng này đã lấy 30.000 USD để tiêu xài nên số tiền lập biên bản chỉ còn 470.000 USD.
Lý giải về việc lần đầu tiên khai ra tình tiết này, bà Hạnh cho rằng, trước đó "bị lẫn nên làm thinh và chờ lên cấp phúc thẩm mới khai".
Do phát sinh nhiều tình tiết mới, nên HĐXX phúc thẩm đã tạm dừng phiên tòa để xem xét.
Tại tòa hôm nay, bị cáo Hạnh vẫn cho rằng mình bị oan không phải là chủ sở hữu của số tiền vận chuyển trái phép nên không thể là người chủ mưu. Tuy nhiên, bà thừa nhận đã cho mượn đàn em và chỉ đạo họ tham gia vận chuyển USD trái phép qua biên giới giúp cho người khác. Các đồng phạm của Hạnh cũng thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Theo HĐXX, quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo có khai thêm tình tiết mới đồng thời thừa nhận có chỉ đạo đàn em vận chuyển trái phép tiền qua biên giới. Do đó, những tình tiết mới này không làm thay đổi bản chất vụ án về hành vi sai phạm của bị cáo và đồng phạm.
Đối với những người được cho là có liên quan đến vụ án theo lời khai của bị cáo, HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra, xem xét dấu hiệu tội phạm của họ. Nếu có căn cứ, sẽ tách ra để xử lý bằng một vụ án khác.
Đối với 5 vụ án còn lại, bà Hạnh bị cáo buộc hành vi Buôn lậu đối với ít nhất 51 kg vàng (năm 2020), một lượng lớn đường cát năm (2018), Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (200.000 USD năm 2020), Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và Rửa tiền (năm 2021).
Cửu Long - Hải Duyên