Sáng 2/5, hàng trăm khách mời quy tụ tại toạ đàm nữ doanh nhân, thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Bên cạnh phiên thảo luận, sự kiện còn tạo điểm nhấn với những chia sẻ tâm huyết của các nữ lãnh đạo cấp cao thuộc các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Bà Trần Thị Lệ - Tổng giám đốc NutiFood xuất hiện với vẻ ngoài chỉn chu. Trong 15 phút, bà gói gọn toàn bộ hành trình khởi nghiệp, thách thức trong vai trò nhà điều hành doanh nghiệp trong suốt 19 năm qua.
Triết lý chiếc máy xay sinh tố
Bà xuất thân là bác sĩ tại trung tâm dinh dưỡng, nhưng chuyển hướng sang kinh doanh. Trong giai đoạn đầu lập nghiệp, bà được truyền cảm hứng bởi triết lý chiếc máy xay sinh tố.
Những năm 90, mỗi buổi sáng tại một bệnh viện nhi tại TP HCM, cứ 10 em được điều thị thì 2-3 em tử vong do thiếu tình trạng dinh dưỡng để điều trị bệnh. Một vị bác sĩ đã mày mò, tìm hiểu ác loại thực phẩm, cho vào chiếc máy xay sinh tốt, thêm vào đó men tiêu hóa giúp nuôi ăn các em qua ống thông dạ dày. "Hành động tưởng chừng đơn giản đó cứu sống hàng nghìn trẻ em", bà Lệ nhớ lại.
Năm 2000, quy mô NutiFood còn rất nhỏ khi bà được mời về. Bản thân bà cũng chưa hiểu biết về kinh doanh nhưng đã tham vọng đưa thương hiệu ra vượt khỏi dải đất hình chữ S. Bà đổi tên cơ sở thực phẩm Đồng Tâm sang NutiFood. Tên mới dễ gọi, dễ nhớ, đồng thời liên quan đến định hướng dinh dưỡng. "Tại sao chúng ta không thể xây dựng những doanh nghiệp lớn và phát triển không chỉ ở Việt Nam, mà còn vươn tầm thế giới", bà Lệ tự vấn.
Ban ngày bà điều hành công ty. Buổi tối bà đến trường học cùng ổ bánh mì chống đói. Dù vậy, có nhiều hôm lãnh đạo NutiFood hăng say làm đến quên bữa, chạy vội cho kịp giờ học cùng chiếc bụng đói. Những nỗ lực của bà Trần Thị Lệ và đội ngũ công ty được đền đáp khi từ 2000-2007, công ty tăng trưởng phi mã, trung bình 237% mỗi năm. Từ cơ sở nhỏ lẻ, doanh số công ty chạm mốc 500 tỷ đồng năm 2007.
Lần thứ hai vực dậy NutiFood
Khát vọng vươn cao hơn, công ty sau đó tung cổ phiếu lên sàn, đồng thời bà Lệ tuyển dụng nhiều nhân sự chuyên nghiệp nắm vai trò điều hành.
Với tốc độ lớn mạnh quá nhanh, NutiFood không kịp dự phòng các rủi ro. Trong giai đoạn khủng hoảng, doanh nghiệp lỗ đến cạn vốn điều lệ. "Công ty rất khó khăn, tưởng chừng không vượt qua", nữ CEO kể.
HĐQT đề xuất bà Trần Thị Lệ quay lại điều hành. Bà thuật lại tình hình lúc đó, nhân viên giỏi bỏ đi, công nhân ăn lương chờ việc, 150 nhà phân phối từ bỏ hợp tác. Bà Lệ tự nhủ: "Không còn đường nào xuống thì chỉ có cách đi lên".
Nữ giám đốc điều hành tự mình thuyết phục nhân viên ở lại, đồng cam cộng khổ. Bà cũng trực tiếp thương thảo với hàng trăm phân phối khắp các tỉnh thành, thay vì giao phó cho nhân sự cấp dưới. Bà lao vào làm ngày làm đêm gần 5 năm liên tục để giúp công ty phục hồi, thoát lỗ và tìm lại lợi nhuận.
"Ban ngày chúng tôi làm việc, ban đêm bắt đầu di chuyển, tận hai giờ đêm mới đến khách sạn. Sáng sớm đi gặp đối tác, rồi lại tiếp tục điều hành", bà nói.
Cũng từ những chuyến đi đó, bà tận mắt nhìn thấy những cô cậu bé tám tuổi nhưng thể trạng thấp còi, chiều cao ngang đứa trẻ bốn tuổi.
Từ đó, đội ngũ NutiFood nghiên cứu dòng sản phẩm đặc trị cho trẻ Việt Nam mắc chứng suy dinh dưỡng với mong ước góp phần giúp thế hệ tương lai của Việt Nam cao lớn, khoẻ mạnh, thông minh. Ngân sách R&D mỗi năm của công ty lên đến 200 tỷ đồng. Mức chi này được duy trì cho đến nay.
"Mỗi sản phẩm của chúng tôi làm ra trước hết phải dùng được cho con em mình. Sản phẩm vừa có hiệu quả, vừa phải ngon để các cháu dùng nhiều", bà chia sẻ.
Nhờ định hướng chiến lược, trong 3 năm liền từ 2016, 2017, 2018, sản phẩm GrowPlus dành cho trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi liên tục đứng đầu Việt Nam trong ngành sữa. Đồng thời, sữa bột pha sẵn của NutiFood cũng liên tục đứng đầu thị phần sản lượng tại Việt Nam.
Đầu năm 2019, thương hiệu sữa nghìn tỷ đã cùng Tập đoàn Asahi của Nhật Bản công bố thành lập một liên doanh hợp tác giữa hai bên để đưa các sản phẩm dinh dưỡng trẻ em chuẩn Nhật Bản vào thị trường Việt Nam. Asahi cũng là công ty đang sở hữu WAKODO, thương hiệu thức ăn trẻ em Nhật Bản đã có mặt hơn 100 năm.
Nữ CEO tiếp nối chia sẻ về xây dựng và phát triển đội ngũ kế thừa. Bà cho rằng bản thân không thể tiếp tục làm việc trong 20 năm tới với tinh thần minh mẫn. NutiFood theo đó triển khai lịch trình đào tạo kỹ thuật bài bản cho các nhân sự trẻ năng lực. Những điều nữ lãnh đạo tích góp từ các thế hệ đi trước đều truyền đạt lại cho lớp trẻ.
Bà Lệ thường chia sẻ rằng các em phải thật sự hạnh phúc với công việc, với những đóng góp cho xã hội. Đồng thời bà dặn dò nhân sự trẻ nên cân bằng cuộc sống gia đình, khi đó mới có thể lan toả tinh yêu thương. Việc đào tạo đội ngũ tuy tốn kém chi phí, nhưng bà tin rằng những điều này sẽ giúp công ty phát triển tốt trong thời gian tới.
Bảo An