Kat Kamalani, một cựu tiếp viên hàng không, tiết lộ về ba thời điểm quan trọng trong chuyến bay hành khách không nên bấm nút gọi tiếp viên vì những trợ giúp như lấy chăn, gối, tai nghe hay cung cấp nước uống.
Đó là khi máy bay đang lăn bánh trên đường băng, cất và hạ cánh. Đây là những thời điểm cần đảm bảo an toàn bay tối đa và tiếp viên phải tập trung cho công việc. "Chúng tôi có thể bị thương và bạn cũng vậy. Nếu bạn sử dụng nút gọi, bạn có thể sẽ bị phớt lờ", Kamalani nói.
Năm 2020, tờ Business Insider của Mỹ đã công bố một nghiên cứu của hãng sản xuất máy bay Boeing. Theo đó, cất và hạ cánh là hai thời điểm nguy hiểm nhất trong chuyến bay. Boeing đã theo dõi các tai nạn máy bay trên thế giới gây tử vong hằng năm và phân loại những tai nạn đó ở từng thời điểm. Nghiên cứu chia chuyến bay trung bình kéo dài 90 phút thành 8 giai đoạn.
Giai đoạn di chuyển trên đường băng để chuẩn bị cất cánh, cất cánh và bay lên bầu trời chỉ chiếm 2% thời gian bay, nhưng có 14% các vụ tai nạn. Con số có vẻ không nhiều nhưng nếu so với thời điểm máy bay ở trên không trung, chiếm quá nửa thời gian bay, và chỉ có 11% các vụ tai nạn xảy ra, bạn sẽ thấy tầm quan trọng của việc cất cánh thành công. Giai đoạn hạ cánh chỉ chiếm khoảng 4% thời gian bay, dài gấp đôi thời gian cất cánh. Nhưng trong thời điểm ngắn này, có 49% các vụ tai nạn xảy ra. Và hạ cánh chính là lúc nguy hiểm nhất của một chuyến bay.
"Nếu bạn định bấm nút gọi tiếp viên vào ba thời điểm tối kỵ trên thì không nên làm nữa", Kamalani nói. Cô cũng chia sẻ rằng việc bấm nút lúc này khiến nhiều tiếp viên "phát điên".
Thời điểm tốt nhất để bấm nút gọi tiếp viên là khi máy bay đã đạt độ cao ổn định, đèn tín hiệu cài dây an toàn đã tắt, hành khách được phép đi lại, sử dụng nhà vệ sinh.
Kamalani cũng lưu ý trong trường hợp khẩn cấp, dù vào bất kỳ thời điểm nào trên chuyến bay, hành khách cũng nên nhấn nút để được hỗ trợ vì "phi hành đoàn ở đó là đảm bảo sự an toàn cho hành khách". Ngoài ra, sau khi bấm nút gọi, hãy nói lời cám ơn tổ bay.
Anh Minh (Theo Travel + Leisure)