Kỳ thi THPT quốc gia 2018, tại điểm thi trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) có ba thí sinh khiếm thị. Điểm thi đã bố trí ba phòng thi riêng cho các thí sinh.
Mỗi phòng thi được trang bị máy ghi âm để ghi lại toàn bộ quá trình cán bộ đọc đề thi cũng như bài làm của thí sinh. Ngoài hai cán bộ coi thi như quy định, mỗi thí sinh sẽ có thêm một cán bộ hỗ trợ viết bài và tô mã đề trắc nghiệm.
Cùng bị khiếm thị như Trần Thị Kim Nguyệt, Nguyễn Hòa Phú, em Nguyễn Thị Phương Trang (trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu), cho biết dù có cô giáo hỗ trợ viết bài, em vẫn tự viết vì "văn học theo nguồn cảm xúc".
Trang bị khiếm thị nhưng vẫn viết được chữ bình thường, dù "không đẹp được như các bạn". Thí sinh mới học chữ nổi ba năm nay nên cho rằng không thể được như các bạn khác.
Theo đuổi ước mơ vào ngành Tâm lý học (Đại học Sư phạm Đà Nẵng), Trang nhận định đề Văn năm nay hay. Tuy nhiên, em làm bài không được như ý muốn vì khó khăn trong việc thể hiện chữ viết.
"Hy vọng ở những môn thi trắc nghiệm em sẽ làm tốt hơn vì quá trình hoàn thành bài thi dễ hơn", Trang nói.
Mẹ Trang, bà Nguyễn Thị Thu cho biết, do nhà cách điểm thi 20 km nên sáng nay hai mẹ con phải thức dậy từ sớm. Lo lắng cùng con vượt vũ môn, bà Thu đã xin nghỉ làm để có thể động viên kịp thời.
Theo bà Thu, bị khiếm thị nhưng Trang vẫn sôi nổi tham gia nhiều hoạt động tại trường. Gia đình và em đã hướng đến ngành Sư phạm tâm lý học. "Nếu đậu đại học như mong muốn, chúng tôi sẽ đưa đón cháu đến trường", người mẹ nói.
Năm nay Đà Nẵng có 11.280 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó 9.770 em vừa hoàn thành chương trình THPT, 940 thí sinh tự do, 560 em hệ giáo dục thường xuyên. Sở Giáo dục đã huy động 1.110 cán bộ coi thi tại 25 điểm là các trường THPT và THCS trên địa bàn.