"Quá hạnh phúc vì chúng ta còn giữ được giá trị đa dạng các loài động vật quý hiếm, nhất là quần thể bò tót đang sinh sống bình yên tại ngôi nhà của chúng", ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ hơn 20 năm làm công tác bảo tồn tại Vườn quốc gia Phước Bình thốt lên sau khi có đầy đủ bằng chứng về sự tồn tại của ít nhất 17 bò tót quý hiếm.
Ông Tuấn là một trong gần 40 người trực tiếp tham gia điều tra quần thể bò tót ở Phước Bình từ cuối năm 2023 đến tháng 3/2024. Với sự hỗ trợ tư vấn của Viện Sinh Thái Học Miền Nam, 5 tuyến giám sát đã được thiết lập dựa trên dữ liệu hiện trạng rừng, thông tin của người bản địa (Raglai, Chu Ru) và lực lượng tuần tra rừng.
Mỗi tuyến được thiết lập trên quảng đường khoảng 10 km, di chuyển qua nhiều kiểu, trạng thái rừng và sinh cảnh khác nhau, nhằm thu thập thông tin đại diện cho từng kiểu hệ sinh thái. Các tuyến này trải dài, bao quát trên các khu vực nghi vấn có sự xuất hiện của bò tót và động vật quý hiếm. Mỗi tuyến có 2-3 cán bộ, chuyên gia và 5-6 người bản địa đảm trách.
Trong đó, tuyến Gia Nhông gồm 7 người do ông Tuấn làm trưởng đoàn. Từ hạ nguồn suối Gia Nhông ở xã Phước Bình, huyện Bác Ái, nhóm của ông Tuấn đi ngược về hướng núi phía Lâm Đồng, nơi những cánh rừng ít bị tác động của con người. Địa hình tuyến này phức tạp với những dãy núi cao chập chùng lên xuống, cách mặt nước biển 700-1.200 mét.
Băng qua nhiều con dốc, thác nước cao hơn 50 m, mất gần một ngày đường, nhóm mới đến được vị trí đầu tiên để đóng trại. Mỗi ngày, sau bữa cơm chiều trong rừng sâu, họ đốt một đống lửa lớn trước trại để sưởi ấm và tránh thú dữ. Các thành viên mắc võng nằm ngủ gần nhau theo hình vòng cung quanh lửa. Võng được mắc vào cây rừng, cách mặt đất chừng một mét nhằm tránh rắn, rết, bò cạp, kiến, nhện độc.
Trong những ngày sau đó, ông Tuấn và kỹ sư Lưu Văn Luông, nhân viên Vườn quốc gia Phước Bình xác định các điểm sẽ đặt bẫy ảnh trên tuyến căn cứ theo báo cáo của lực lượng bảo vệ rừng. "Mọi người sợ bị bò tót tấn công nhưng thực tế chúng có khứu giác rất tốt, có thể đánh mùi người từ xa nên sẽ tránh đi", anh Luông nói.
Các điểm bẫy ảnh bố trí cách nhau một km theo đường chim bay. Ở mỗi điểm đặt hai bẫy nằm đối diện, cách nhau khoảng 300 m để máy có thể chụp góc rộng nhất, tăng khả năng phát hiện khi động vật đến gần. Máy ảnh được gài cố định lên cây rừng, cách mặt đất 30-40 cm, có khoảng trống phía trước.
Nhờ có bộ phận cảm biến cử động và hồng ngoại chụp ban đêm, bẫy ảnh sẽ thu thập được hầu hết các hoạt động của động vật khi chúng xuất hiện trong phạm vi đặt máy. "Trung bình cứ một điểm đặt bẫy ảnh phải mất một ngày thiết lập", ông Tuấn nói.
Cùng với đặt bẫy ảnh, các nhóm giám sát tuyến còn sử dụng máy ảnh, flycam, máy ghi âm, ống nhòm... để thu thập dữ liệu bò tót và các loài động vật quý hiếm khác dọc tuyến khảo sát. Tất cả đều được ghi chép tỉ mỉ theo từng ngày, từng giờ, vị trí toạ độ phát hiện.
Sau nhiều ngày vượt rừng ròng rã, nhóm giám sát phát hiện hàng loạt dấu chân bò tót ở thượng nguồn Gia Nhông và Đá Đen. Trên nhiều cây rừng có các vết cà xước, ủi do bò tót để lại. Tại một số trảng cỏ, phân bò tót thải ra còn rất mới, ước chừng trước đó khoảng 30 phút đến một giờ. Một số trảng cỏ giáp rừng thông còn có các bãi bò tót nằm nghỉ, mỗi bãi rộng cả 100 m2.
Ông Não Duy Pháp, Trưởng phòng Khoa học và Bảo tồn thiên nhiên - Vườn quốc gia Phước Bình, cho biết dấu vết về sự tồn tại của các đàn bò tót trong rừng đặc dụng đã được đo vẽ, chụp lại cẩn thận để làm dữ liệu khoa học. "Sau 2 tháng theo dõi, các chuyên gia đã ghi nhận hình ảnh thực của bò tót và nhiều loài động vật quý hiếm khác trong cùng sinh cảnh. Đây là bằng chứng rất giá trị và thuyết phục", ông Não nói.
Kết thúc chuyến điều tra, từ hình ảnh dữ liệu của các bẫy ảnh cùng dữ liệu phân tích đo vẽ dấu chân, dấu vết tại hiện trường, các chuyên gia động vật hoang dã đã xác định được sự tồn tại của 3 đàn bò tót với 17 con trên hai trong 5 tuyến giám sát.
Cụ thể, trên tuyến suối Gia Nhông có hai đàn. Đàn thứ nhất có 4-6 con, trong đó một con còn nhỏ. Đàn thứ hai 3-4 con trưởng thành. Tuyến suối Đá Đen (khu vực làng cũ trong rừng của người Chu Ru xưa) có một đàn lớn hơn, với 6-7 con trưởng thành. Không gian sinh sống của chúng chủ yếu là các khu rừng thường xanh, trảng cỏ, kề bên rừng đồi thông ven đồi.
Ngoài ra, các tuyến giám sát còn ghi nhận rất nhiều loài động vật quý hiếm khác trong rừng Phước Bình, như: chà vá chân đen, vượn đen má vàng, mang lớn Trường Sơn, tê tê Java, mèo rừng, chồn, heo rừng... Trước đó, năm 2009, Vườn quốc gia này từng ghi nhận một bò tót đực nặng gần một tấn, xuất hiện liên tục trong khu rẫy gần bìa rừng. Nó húc bò đực nhà, giao phối với bò cái của người dân. Cho đến lúc chết năm 2014, bò tót đã để lại hơn 20 con lai với đặc tính hoang dã, vóc dáng to lớn. 10 bò lai F1 được cơ quan chức năng mua để nghiên cứu.
Thạc sĩ Trần Văn Bằng, Viện phó Viện Sinh Thái Học Miền Nam - một trong các chuyên gia trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật cho đợt giám sát, nói rằng quần thể bò tót mới được phát hiện cho thấy vai trò quan trọng của Vườn quốc gia Phước Bình trong hoạt động bảo tồn loài bò tót - một loài thú móng guốc lớn nhất Việt Nam.
"Bước đầu ghi nhận được khoảng 17 con nên số lượng bò tót tại Vườn quốc gia Phước Bình còn có thể lớn hơn", ông Bằng nói, cho rằng vườn quốc gia này cần được đầu tư hơn nữa, đồng thời đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội, nguồn lực quốc tế hỗ trợ cho công tác bảo vệ, giám sát các loài động vật quý hiếm.
Vườn quốc gia Phước Bình rộng hơn 25.000 ha, địa hình trải dài ở độ cao từ 300-2.000 m so với mực nước biển, giáp với tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa, có hơn 1.338 thực vật và 347 động vật, hàng chục loài nằm trong sách đỏ. Với sự đa dạng sinh học, rừng đang là điểm du lịch sinh thái thu hút đông du khách đến trải nghiệm, tham quan, nghiên cứu.
Việt Quốc