Sáng 19/7, nhiều công nhân chạy xe máy đến các công ty trong Khu công nghiệp Đông Xuyên (phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu) làm việc thì bị cảnh sát chặn lại, yêu cầu trở về vì thành phố "không cho phép người lao động sử dụng xe hai bánh, đi bộ đi làm" trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Nhiều người tụ tập ở ven đường trước chốt để được lực lượng chức năng giải thích, một số quay đầu rời đi. Đến 9h cùng ngày, lực lượng trực chốt tại đây rời đi. Các công nhân chạy xe máy ra vào khu công nghiệp bình thường.
Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng ban quản lý các khu Công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sắp xếp bố trí "ăn, ở, sản xuất" tại chỗ và "cùng làm, đi cùng và nghỉ cùng nơi" cho người lao động. Nếu không bố trí được "3 tại chỗ" thì các công ty phải tổ chức ôtô đưa đón; bố trí ngồi giãn cách, không quá 50% ghế và không quá 20 người.
Bà Rịa-Vũng Tàu có 400 doanh nghiệp với 64.000 công nhân. Đến nay, 50% đã bố trí "ba tại chỗ" cho người lao động.
Ông Triết cho biết, quy định trên ảnh hưởng đến những công nhân ở gần, đưa đón bất tiện. Trong khi các công ty số lượng quá đông thì không đủ xe để đưa đón và còn phải chở theo nguyên tắc phòng dịch. "Đương nhiên sẽ gây khó khăn cho công nhân và doanh nghiệp, song nếu thả lỏng, để công nhân đi tự do, không kiểm soát được, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao", ông Triết nói.
Trong cuộc họp với các địa phương sáng nay, ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND Bà Rịa-Vũng Tàu nêu quan điểm của địa phương cần kiên quyết thực hiện quyết định trên nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và duy trì sản xuất trong các khu công nghiệp.
Những doanh nghiệp không lo được cho công nhân phải tạm dừng sản xuất. "Doanh nghiệp phải đồng hành, chia sẻ cùng tỉnh, chỉ cần một ca F0 trong khu công nghiệp, trong công ty thì thiệt hại còn hơn vậy nữa", ông Vinh nói.
Trong các công văn hướng dẫn lưu thông trên địa bàn trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16, TP Vũng Tàu yêu cầu shipper và người lao động làm việc tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các cơ sở cung ứng lương thực thực phẩm được chạy xe máy đi làm, giao hàng, song phải có giấy xét nghiệm âm tính nCoV trong vòng 3 ngày.
Tuy nhiên, chiều 19/7, UBND TP Vũng Tàu ban hành văn bản bỏ quy định "người giao hàng phải có giấy xét nghiệm âm tính". Thành phố đồng thời mở rộng người được đi xe máy là những người làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, ngân hàng, kho bạc, công chứng, luật sư, đăng kiểm, bưu chính viễn thông, xuất, nhập khẩu, khám chữa bệnh, tang lễ, người làm việc ở các doanh nghiệp công ích như điện, cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, vệ sinh môi trường, giao thông...
Kể từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu phát hiện người mắc Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên, hôm 28/6. Đến sáng 19/7, địa phương này ghi nhận 194 ca, ở 6 huyện và thành phố.
Trường Hà