Dưới đây là 3 địa chỉ lâu năm ở Sài Gòn dành cho thực khách muốn thưởng thức những món ăn với hương vị khác lạ.
Hủ tíu cá Nam Lợi (60 năm)
Nhiều người sành ăn món Hoa ở Sài Gòn không ai không biết đến quán hủ tiếu Nam Lợi nằm trên con đường Tôn Thất Đạm (quận 1). Chủ quán là người Việt gốc Hoa sống ở thành phố lâu năm, chính vì thế hương vị của tô hủ tiếu là sự hòa trộn những tinh hoa ẩm thực Việt và Hoa.
Không gian ở quán Nam Lợi không quá lớn, được trang trí đơn giản bởi những chiếc bàn gỗ và những câu đối tiếng Hoa trên tường tạo không gian như trong một quán ăn ở Trung Quốc thực thụ.
Không giống như sợi hủ tiếu thường thấy, cọng hủ tiếu ở đây mềm như bánh phở, to gấp đôi. Tuy nhiên, khi ăn bạn sẽ không thấy ngán bởi người chế biến cho một lượng bánh rất vừa phải vào bát. Nước lèo ngọt thanh, đậm đà đặc trưng được nấu từ cá và xương ống tủy heo, mang hương vị khác biệt khó quên.
Đa phần khách đến đây đều chuộng hủ tiếu cá. Nhưng nếu muốn đổi khẩu vị bạn có thể gọi hủ tiếu gà cũng lạ miệng không kém, hoặc nếu thích bạn có thể gọi cả cá lẫn gà.
Quán mở cửa từ 6h đến 12h và từ 14h đến 21h. Giá cho một phần hủ tiếu cá hoặc gà là 70.000 đồng. Tuy giá có phần đắt hơn so với mức trung bình nhưng nhờ hương vị khác lạ, ai từng thử qua rồi đều hài lòng và tấm tắc khen ngợi.
Bánh mì Hòa Mã (hơn 50 năm)
Theo lời kể lại của nhiều người sống lâu năm ở thành phố thì đây là một trong những nơi bán bánh mì thịt đầu tiên ở Sài Gòn. Bạn sẽ không khó để tìm đến tiệm bánh mì trong góc hẻm nhỏ nằm trên đường Cao Thắng (quận 3).
Thực khách luôn thích thú với chiếc chảo nhỏ ngút khói dọn ra bắt mắt cùng màu vàng của trứng, màu nâu của miếng thịt nguội, chả cá. Bên cạnh đó là chén đồ chua tươi mát kèm thêm ổ bánh mì giòn làm cho món ăn càng thêm hấp dẫn.
Đối với nhiều người, bánh mì là thức ăn nhanh, rất thích hợp với nhịp sống vội vã ở đất Sài Gòn. Nhưng ngồi ở góc bánh mì Hòa Mã này, bạn vẫn có thể cảm nhận được sự chậm rãi của thời gian.
Không gian của quán không được bề thế, tấm bảng hiệu đã nhuốm màu thời gian nhưng không vì thế mà chất lượng bánh mì mất đi. Hương vị vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu, gây ấn tượng với nhiều thực khách từng đến quán.
Gỏi vịt bà Lâm (hơn 20 năm)
Nằm trong con hẻm 343, đường Tô Hiến Thành (quận 10), quán bà Lâm nổi tiếng với cách chế biến độc quyền khiến ai thử qua món ăn đều muốn quay trở lại. Ngay khi vừa đến quán, bạn sẽ ấn tượng với chiếc tủ kính được treo đầy thịt vịt luộc.
Món chủ đạo ở quán là gỏi vịt trộn với bắp cải. Thịt vịt sau khi sơ chế và luộc chín được chặt thành những miếng nhỏ vừa ăn. Bắp cải được rửa sạch, bào mỏng rồi trộn chua ngọt. Món ăn mang ra cho thực khách là một đĩa vịt với phần bắp cải bên dưới, thịt được xếp đầy bên trên, thêm chút rau răm, hành phi với chén mắm gừng.
Cắn miếng thịt kèm theo chút rau trộn bạn sẽ cảm nhận được độ mềm của miếng thịt quyện cùng vị chua vừa phải của bắp cải. Chấm thêm chút mắm gừng được pha chế vừa vặn bạn sẽ không khỏi xuýt xoa trước món ăn.
Giá dao động ở quán từ khoảng 40.000 – 100.000 đồng cho một món ăn. Ngoài món gỏi vịt, nếu muốn đổi vị bạn cũng có thể gọi các món ăn khác như: cháo, bún vịt, lòng luộc, tiết canh,...
Xem thêm: Quán gỏi vịt lâu đời nhất Sài Gòn
Phong Vinh