Ngày 26/1, BS.CK2 Nguyễn Hà Ngọc Uyên, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, cho biết bệnh nhân vào viện rạng sáng hai hôm trước, với thai 37 tuần ngôi mông - còn gọi là ngôi ngược, với tỷ lệ tai biến cao cho cả mẹ lẫn con, nước ối đã vỡ trắng đục.
Các bác sĩ phát hiện dây rốn sa ra ngoài âm đạo, dây rốn còn nhịp đập rất yếu, có khi không cảm nhận được nhịp. Kíp trực cho bệnh nhân nằm mông cao, đẩy khẩn vào phòng mổ, kích hoạt báo động đỏ các chuyên khoa. Đồng thời, bác sĩ thực hiện đẩy mông thai nhi lên liên tục để tránh kẹt dây rốn với khung chậu người mẹ gây mất tim thai.
Trong vòng chưa đầy ba phút, ê kíp đã mổ thành công, giúp bé gái nặng gần 3 kg chào đời. Tuy nhiên, bé không khóc, không phản xạ, dây rốn đoạn gần chân rốn teo nhỏ hoại tử. Các bác sĩ khoa Nhi - Sơ sinh có mặt sẵn phòng mổ, nhanh chóng hồi sức tích cực, giúp bé khóc, có phản xạ.
"Giây phút em bé cất tiếng khóc cũng chính là lúc kíp phẫu thuật vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc", bác sĩ Uyên nói, thêm rằng các bác sĩ đã rất lo lắng khi hội chẩn và phẫu thuật, bởi áp lực về thời gian là rất lớn, mỗi phút trôi qua, tiên lượng sống của bé sẽ giảm đi và nguy cơ biến chứng cho mẹ càng cao. Hiện, sức khỏe mẹ và bé ổn định.

Bé gái được chăm sóc tại bệnh viện sau khi hồi sức cấp cứu thành công. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Sa dây rốn là một trong những tình huống cấp cứu tối khẩn của sản khoa. Trong bụng mẹ, em bé sống nhờ dây rốn. Sản phụ bị sa dây rốn ra ngoài âm hộ nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì tỷ lệ tử vong cho bé rất cao do cuống rốn bị chèn ép, khiến việc cung cấp máu của dây rốn cho thai nhi bị đình trệ. Khi đó, cần tức tốc lấy em bé ra trong tối đa 10 phút, nếu không dây rốn sẽ bị khô, bé không được tiếp máu từ mẹ sẽ nguy hiểm tính mạng.
Trung bình, cứ 300 trẻ chào đời có một ca bị sa dây rốn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sa dây rốn như sản phụ sinh đẻ nhiều lần, ngôi thai bất thường, đa ối...
Để tránh tai biến này, bác sĩ Uyên khuyến cáo thai phụ cần đi khám thai định kỳ tại các bệnh viện chuyên khoa. Đặc biệt, với những trường hợp vỡ ối, thai phụ nên nhanh chóng vào bệnh viện ngay để các bác sĩ có thể phát hiện kịp thời và xử trí nhanh chóng sa dây rốn nếu có.
Trường hợp vỡ ối mà có một nùi dây rốn sa ra ngoài cửa mình, phải lập tức dùng khăn nhúng nước ấm khoảng 38 độ C để bọc dây rốn trong khi di chuyển. Đồng thời, thai phụ phải hạn chế đi và ngồi, chỉ nên nằm nhiều nhất có thể. Điều quan trọng là phải đến bệnh viện trong thời gian nhanh nhất để mổ đưa em bé ra kịp thời và cứu sống bé.
Lê Phương