Trong 15 năm học ngoại ngữ, phần lớn là tự học, anh Dũng, hiện công tác tại một cơ quan ngoại giao, đã áp dụng ba phương pháp và chứng minh cách học đó hiệu quả bằng bộ sưu tập chứng chỉ tiếng Anh, Pháp, Trung, Nhật.
Tự học có nhiều ưu điểm nhưng có một khuyết điểm là kỹ năng nói khó tự luyện hơn so với nghe, đọc và viết. Ba phương pháp luyện nói anh Dũng từng dùng có thể áp dụng với mọi trình độ và có đặc điểm chung là phải kết hợp với luyện nghe. Do vậy, luyện nói theo những cách này cũng đồng nghĩa bạn được dịp luyện cả hai kỹ năng nghe và nói.
Khi luyện nói, hãy bắt chước nói thật giống với những gì bạn nghe được. Đối với việc học ngoại ngữ, "bắt chước" là kỹ năng cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, bạn hãy tập suy nghĩ trực tiếp bằng ngoại ngữ đang học. Thay vì nghĩ trong đầu bằng tiếng Việt trước rồi mới dịch ra, nghĩ trực tiếp bằng ngoại ngữ sẽ giúp bạn nói nhanh hơn và tự nhiên hơn.

Nhờ kiên trì và có phương pháp học đúng, anh Dũng hiện có bộ sưu tập chứng chỉ tiếng Anh, Pháp, Trung, Nhật qua các kỳ thi quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Với phương pháp nghe và lặp lại, trước tiên bạn cần đọc thật kỹ tài liệu chuẩn bị nghe để hiểu nội dung, có thể là từ vựng hay đoạn hội thoại, bài thuyết trình hay bất kỳ cái gì khác, miễn là có tài liệu nghe (audio file) đi kèm.
Nếu học với bộ giáo trình thì thông thường mỗi bài học sẽ có tất cả thể loại nghe như từ vựng, đối thoại và độc thoại.
Tiếp theo, bạn nghe thật kỹ, chú ý từng chi tiết nhỏ nhất. Ví dụ với tiếng Anh, bạn cần chú ý các âm cuối (final sounds), nối âm (liaison), nuốt âm (elision), nhấn từ (word stress), nhấn câu (sentence stress), ngữ điệu (intonation), giọng nói (accent). Bạn nên nghe nhiều hơn một lần để thật thành thạo ở bước này.
Sau đó, bạn nghe và nhìn lời thoại, tạm dừng (pause) sau mỗi câu, và nói lặp lại, cố gắng bắt chước càng giống càng tốt, kể cả ngữ điệu và giọng nói. Mỗi khi lặp lại, bạn hình dung trong đầu bằng hình ảnh liên quan đến câu nói ấy để đảm bảo thực sự hiểu ý nghĩa của những gì mình nói, chứ không chỉ đơn thuần là lặp lại.
Bước cuối cùng giống bước ba ở chỗ là tạm dừng và lặp lại sau mỗi câu, nhưng lần này không nhìn lời thoại.
Ngoài bắt chước, anh Dũng cũng áp dụng phương pháp nói đuổi (shadowing). Cách này tương tự phương pháp thứ nhất, nhưng thay vì tạm dừng bài nghe sau mỗi câu để lặp lại, bạn không dừng bài nghe mà cố gắng nói đuổi theo luôn.
Để làm theo phương pháp shadowing, bạn cần theo hai bước: Bước một vừa nghe, vừa nhìn lời thoại hoặc phụ đề, vừa nói đuổi theo; bước hai vừa nghe, vừa nói đuổi theo mà không nhìn lời thoại nữa.
Cả hai phương pháp nghe, lặp lại và shadowing đều dựa trên nguyên tắc nghe người bản xứ nói rồi bắt chước cho thật giống. Không giới hạn ở sách vở hay giáo trình, bạn có thể mở rộng luyện nói theo hai cách trên khi xem các chương trình có phụ đề, ví dụ xem phim trên Netflix hay YouTube.
Phương pháp thứ ba anh Dũng gợi ý là hát bài hát yêu thích. Hát và nói là hai lĩnh vực thoạt nghe có vẻ ít liên quan đến nhau, nhưng theo quan sát của anh Dũng, những người hát tiếng Anh hay thường phát âm tiếng Anh tốt và khi nói thì ngữ điệu, chất giọng cũng hay.
Tập hát các bài nhạc chậm như pop một phần nào đó bổ trợ cho việc luyện phát âm chính xác (accuracy), và hát các bài nhạc nhanh như rap bổ trợ cho việc luyện nói mượt mà, lưu loát (fluency).
Bình Minh