Ngày 23/10, tiến sĩ Hoàng Quốc Cường, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết đơn vị vừa đưa vào hoạt động ba phòng khám bác sĩ gia đình tại ba trạm y tế xã ở huyện Vĩnh Thạnh và hai quận Thốt Nốt, Cái Răng.
Các phòng khám này được trang bị nhiều loại máy như: siêu âm, máy điện tim, khí dung, đo SpO2, đo đường huyết, điều hòa, nhà thuốc đạt chuẩn GPP... cùng đội ngũ y bác sĩ. Sở đã xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu Phòng khám bác sĩ gia đình Cần Thơ, triển khai ứng dụng chăm sóc sức khỏe với chức năng đặt lịch khám chữa bệnh, hội chẩn từ xa. Bệnh nhân có thể chọn bác sĩ khám qua các ứng dụng này. Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ được giao hỗ trợ tư vấn từ xa các phòng khám này khi có các ca bệnh phức tạp.
"Chúng tôi quyết tâm thực hiện mô hình bác sĩ gia đình này và sẽ nhân rộng trong thời gian tới", ông Cường nói, cho biết tiêu chí được chọn là các phòng khám phải có lượng bệnh nhân tương đối ổn định, ở vùng sâu vùng xa để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho người dân, giảm tối đa thời gian, chi phí đi lại, giúp sàng lọc bệnh tật, giảm tải cho tuyến trên...
Đến nay, Sở Y tế Cần Thơ đã đào tạo được 106 bác sĩ gia đình phục vụ cho tuyến y tế cơ sở; cử nhân viên y tế đến Trường Đại học Y dược học các khóa siêu âm, điện tâm đồ, quản lý trang thiết bị, điều trị bệnh không lây nhiễm, sơ cấp cứu ban đầu. Đơn vị đã xây dựng Đề án Chăm sóc sức khỏe người dân Cần Thơ từ năm 2024-2030, tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng, đang trình Thành ủy thông qua.
Cần Thơ có 3 bệnh viện đa khoa, 9 trung tâm y tế và 80 trạm y tế. Gần 2.000 nhân viên y tế tuyến huyện, xã và 563 nhân viên y tế ấp, khu vực. Tất cả trạm y tế đều có bác sĩ và cán bộ y học cổ truyền; 82% có dược sĩ, 87,5% có cán bộ Sản - Phụ khoa
Kim Ngân