Đề xuất tăng thuế môi trường với xăng lên 4.000 đồng một lít của Bộ Tài chính tiếp tục là chủ đề được nhiều chuyên gia bàn thảo tại các hội thảo gần đây.
Chuyên gia Phạm Chi Lan nêu ra một loạt những câu hỏi khi ngành thuế không giải trình được hiệu quả môi trường của việc tăng thuế này ra sao, ai sử dụng và đo lường thế nào... "Tăng thuế môi trường trên xăng dầu phải chứng minh rõ môi trường được cải thiện chứ hiện nay rất tù mù. Liệu có phải do ngân sách 'bí' cần tăng thu thêm? Nhà chức trách phải làm rõ thì người dân mới yên tâm được", bà Lan đặt câu hỏi.
Vị chuyên gia này cũng nêu vấn đề về lợi ích đưa có quyết định tăng thuế. "Nhóm doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn có lời từ khoản tăng thêm, điều đó có chính đáng hay không. Cái khổ của chúng ta lâu nay là thiếu minh bạch, không thuyết phục trong chi tiêu", bà Lan nói.
Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh điều cần hơn hiện nay là phải giảm chi thường xuyên, giảm biên chế và đo lường hiệu quả cán bộ, những điều mà theo bà được đề cập nhiều nhưng kết quả chưa mong đợi.
"Chừng nào ghế ngồi trong cơ quan nhà nước còn gắn liền với tiền, quyền lực thì những đề xuất tăng thuế sẽ bị phản ứng. Người dân sẽ nghĩ ngay số tiền đó để chi tiêu cho bộ máy, họ sẽ không chấp nhận sự nương tay của chính quyền và đẩy gánh nặng về phía mình", bà nói.
Đồng tình, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phân tích, hiện các nguồn thu thuế "truyền thống" đang ngày càng co hẹp. Ông đơn cử, thu từ dầu thô chiếm tỷ trọng ngày càng nhỏ trong dự toán ngân sách Nhà nước khi Chính phủ có chủ trương giảm phụ thuộc vào tài nguyên, khoáng sản. Thuế thu từ xuất nhập khẩu cũng giảm trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA), hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Để bù đắp thiếu hụt ngân sách buộc nhà chức trách phải tăng thu thuế nội địa, trong đó có thuế môi trường, thuế VAT...
Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này cho hay đã tính toán mọi tác động của việc tăng thuế môi trường với xăng, dầu. Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, với phương án tăng như dự thảo và có hiệu lực từ 1/7, dự kiến CPI tháng 7 sẽ tăng thêm 0,27-0,29% và cả năm là 0,11-0,15%. Ngân sách dự kiến tăng thu trên 15.000 tỷ đồng từ việc tăng thuế này.
Trước đề nghị cần có lộ trình tăng mức thuế bảo vệ môi trường đến năm 2020 để phù hợp với nền kinh tế và sức mua của người dân, Bộ Tài chính cho rằng, đề xuất điều chỉnh mức thuế đối với từng hàng hóa chịu thuế là "đảm bảo trong khung" và "phù hợp với các nguyên tắc quy định".
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thành, giải pháp này chỉ mang tính khắc phục trước mắt, về lâu dài sẽ khiến tăng chi phí sản xuất, kinh doanh và cơ sở thuế này có công bằng không cũng là điều cần bàn.
Anh Minh