"Dự án Đường ống Khí đốt Xuyên Sahara (TSGP) sẽ tăng cường an ninh khí đốt cho các thị trường thế giới", Bộ trưởng Năng lượng Algeria Mohamed Arkab ngày 28/7 phát biểu tại thủ đô Algiers, sau khi ký biên bản ghi nhớ với những người đồng cấp Nigeria và Niger.
Đường ống TSGP dài 4.400 km, dẫn khí đốt từ Nigeria ở Tây Phi đến Niger và Algeria. Từ đây, khí đốt có thể được bơm vào đường ống Transmed dưới Địa Trung Hải để chuyển tới Italy và cung cấp cho châu Âu, hoặc đưa lên các tàu chở khí đốt hóa lỏng (LNG) phục vụ xuất khẩu.
Dự án này được khởi động từ những năm 1970, song bị đình trệ do các mối đe dọa an ninh, lo ngại tác động môi trường và thiếu kinh phí.
Nội dung của biên bản ghi nhớ không được tiết lộ, song dự án đang được quan tâm nhiều hơn trong những tháng gần đây, trong bối cảnh giá khí đốt leo thang do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine.
Hồi giữa tháng 2, ba quốc gia này đã ký thỏa thuận khôi phục dự án với kỳ vọng chuyển 30 tỷ m3 LNG tới châu Âu mỗi năm, trong khi các đường ống Nord Stream và Nord Stream 2 của Nga cung cấp tổng cộng 110 tỷ m3 LNG mỗi năm cho châu Âu.
Ngoài thị trường châu Âu, khí đốt của TSGP có thể được chuyển hướng phục vụ các nước dọc theo tuyến đường ống hoặc các nơi khác trong khu vực Sahel, kéo dài từ Senegal ở phía đông đến Sudan ở phía tây.
Algeria, nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Phi, đã nhận thấy nhu cầu năng lượng gia tăng do ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine, khi các nước phương Tây đang thúc đẩy tìm kiếm nguồn cung thay thế dầu và khí đốt Nga.
Hồi tháng 4, Italy đã ký thỏa thuận mới với Algeria, tăng nhập khẩu khí đốt từ nước này lên 40%. Đây là thỏa thuận lớn đầu tiên của Italy trong nỗ lực thay thế nguồn cung khí đốt Nga sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra.
"Thỏa thuận với Italy sẽ cho phép Algeria khai thác hạ tầng đường ống sẵn có và tăng dần khả năng cung cấp khí đốt lên 9 tỷ m3/năm vào năm 2023 và 2024", Pier Paolo Raimondi, chuyên gia năng lượng tại Viện nghiên cứu Các vấn đề Quốc tế (IAI) tại Rome, Italy, cho biết.
Quốc gia này cũng đang nghiên cứu những cách khác để tận dụng giá năng lượng cao trên toàn cầu, song TSGP sẽ phải đối mặt với những thách thức an ninh và hậu cần, do các nhóm phiến quân Hồi giáo đang hoạt động tại nhiều khu vực sa mạc ở châu Phi.
Chuyên gia Raimondi cũng không rõ Algeria có thể tăng sản lượng khai thác khí đốt nhanh tới mức nào để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn từ châu Âu, trong bối cảnh quốc gia này thiếu đầu tư vào hạ tầng sản xuất và trải qua nhiều bất ổn chính trị trong khu vực.
Đức Trung (Theo AFP, Algeria Press Service)