Đam mê đồ bếp đến với chị An Thùy, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, từ nhiều năm trước, khi đang là nhân viên kinh doanh tại một tập đoàn đồ uống. Thời đó, trên đường đến cơ quan, chị thường đi qua một cửa hàng bán đồ khuyến mãi của các thương hiệu tên tuổi, chị Thùy hay vào đây để "săn" đồ bếp. Đồ chất lượng, song mẫu mã hạn chế nên thi thoảng chị mới thêm được một món vào bộ sưu tập.
Giữa năm 2019, chị Thùy và con gái vào TP HCM. Tình cờ, nơi hai mẹ con sinh sống nằm gần các bãi bán hàng second-hand ở đường liên khu 4-5, dọc hai bên quốc lộ 1A Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân. "Mình nhìn thấy những nồi, chảo gang hoen gỉ, bị người ta vứt đi. Đây đều là những món đồ của các thương hiệu nổi tiếng nhưng người dùng không biết. Đam mê đồ bếp của mình trỗi dậy", chị kể.
Trào lưu dùng đồ gang xuất hiện vài năm gần đây khi các gia đình ngày càng quan tâm đến chất lượng bữa ăn. Trong mùa giãn cách vì Covid-19, không ít gia đình có điều kiện đã đầu tư tiền tỷ vào thiết bị nhà bếp, trong đó không thể thiếu các bộ nồi chảo gang của những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Giá cả những sản phẩm này không hề rẻ và cũng không dành cho số đông.
Với chị An Thùy, nhu cầu đồ bếp không còn dừng lại ở phục vụ bữa ăn hàng ngày nữa, mà trở nên "nghiện và sưu tầm". Thời gian đầu, chị tới các khu bán đồ cũ vài lần mỗi tuần, sau đó ngày nào chị cũng đến để phụ giúp các chủ bãi phân loại đồ, nhờ đó mua được nhiều món ưng ý mà giá rất mềm. "Ngày trước ở Hà Nội, tôi chưa bao giờ hình dung các đồ gia dụng nhà bếp lại có đồ cũ. Khi vào Sài Gòn, tôi như được vẫy vùng ngoài biển lớn, thỏa sức lựa chọn những món mình thích ngày này qua ngày khác", chị Thùy nói.
Trong số những món đồ này, chị chú ý nhất đến nồi chảo gang vì thông thường nó rất dơ bẩn. Nhiều món bị chủ bãi coi là rác vì bán ve chai cũng không ai mua do quá gỉ và nặng. Chị nhặt những món đồ người ta vứt đi và tìm ra cách khiến nó mới trở lại. Từ đó chị càng bị cuốn vào các món đồ từ gang, giá dao động từ vài chục nghìn đồng một kg. Món đắt nhất chị mua khoảng 300.000 đồng một kg. Đây đều là sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng châu Âu như Le creuset, Staub... giá thông thường từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Song song, chị cũng sưu tầm được nhiều đồ inox như cốc chén, thìa dĩa, dao của các thương hiệu nổi tiếng khác như WMF, Fissler, Tefal, Kai... Có những chiếc thìa mạ vàng, mạ bạc, lòng sứ tinh tế, giá mua mới cả triệu đồng, nhưng tại đó bị vứt chỏng chơ, bán theo cân không đáng mấy đồng. Để đảm bảo mang tính chất sưu tầm, chị chỉ lựa đồ xa lạ, ít người biết đến công dụng, qua tên thương hiệu gắn trên sản phẩm.
Kinh nghiệm của chị Thùy là những món đó các chủ bãi bán giá rất rẻ do không biết công dụng. Với nồi chảo gang thô, càng han rỉ thì càng nên mua về vì giá rẻ. Nồi gang tráng men nếu cháy hay dơ bẩn vẫn có thể mua được, riêng bị bể men thì không nên mua. Đối với đồ bếp, bao gồm thìa, dĩa, dao, kẹp đồ ăn, muôi canh, bào củ quả, xiên thịt... đừng ngại dơ bẩn. Những món càng đen, càng xấu thì là mạ bạc, càng giá trị. Gần như tất cả vết xỉn màu, han gỉ đều có thể xử lý được.
Qua nhiều lần mày mò, chị Thùy tìm ra cách biến những món đồ cũ thành mới. Với nồi, chảo gang thô, chị bỏ vào chậu ngâm qua đêm. Sau đó dùng cọ sắt chà vào các vết gỉ, làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi các vết này bong ra và mờ đi. Rửa lại chảo dưới nước nhiều lần, lau khô với khăn. Dùng một chổi quét sơn nhỏ, cùng một chút dầu ăn thoa đều xung quanh trong và ngoài. Cho nồi, chảo gang lên bếp đun với nhiệt nhỏ trong 15 phút hoặc hơn cho đến khi thấy chảo có một lớp khói trắng nhẹ bay lên thì tắt bếp. Công đoạn này được gọi là "tôi dầu" cho nồi chảo gang thô, không áp dụng đối với nồi chảo gang có tráng men.
Với các thìa dĩa và đồ inox, cách khắc phục rất đơn giản. Đổ thìa dĩa vào chậu nước có pha nước rửa bát, ngâm trong vài giờ. Lấy miếng rửa bát mềm cọ như cách rửa bát thông thường để loại bỏ chất bẩn. Cái nào chuyển đen thì dùng kem sumo bôi lên, chà mạnh bằng khăn mềm, hoặc bàn chải đánh răng. Với những vết bẩn nằm trong các họa tiết, chị Thùy dùng chổi có các sợi bằng đồng, để cọ vào những khe nhỏ.
"Tôi gọi công đoạn vệ sinh này là 'spa', rất tỉ mẩn và mất nhiều thời gian, nhưng khi nhìn thấy nó sáng bóng trở lại thì không còn thấy vất vả nữa. Sau khi 'spa', những món đồ trông như mới và chất lượng tốt hơn hàng phổ thông đang bán trên thị trường", chị Thùy nói.
Giữa năm 2020 chuyển về Hà Nội, chị Thùy mang theo 1,5 tấn đồ bếp sưu tầm được. Từ đó đến nay, chị đã bán bớt, chỉ giữ lại những món đồ yêu thích nhất. Hiện, chị sở hữu hơn 70 chiếc nồi gang đủ kích cỡ, hàng nghìn chiếc thìa dĩa, ngoài ra có những món đồ làm bánh, bộ bật bia... Trong số này, có những món chị thích như một bộ thìa đồng, cán gỗ có hình Phật với 64 món, có thâm niên 40 năm. Chiếc muôi rót vô cùng tiện dụng cho những chai lọ miệng nhỏ, chiếc nạo bơ có thể khoét ra cả miếng rất đẹp, hay chiếc kéo cắt trứng chim cút...
"Đặc biệt với tôi nhất là những chiếc nồi gang, thố sứ của một thương hiệu Pháp. Hay các bộ thìa dĩa mạ vàng, mạ bạc có gắn sứ bên trong lòng thìa. Những họa tiết của nó khiến tôi mê mẩn", bà nội trợ này chia sẻ.
Hơn hai năm nay, đam mê đồ bếp như một cách cho chị Thùy cân bằng lại cuộc sống. Những chia sẻ của chị về mẹo xử lý đồ bếp cũ và cách phân biệt hàng giả, trên các hội nhóm ở Việt Nam và Mỹ, nhận được sự tán thưởng và cảm ơn. Điều chị không ngờ nữa là nhờ đam mê, mà hiện hai mẹ con sống ổn. Hàng tháng thu nhập từ bán đồ bếp cũ tương đương như hồi còn đi làm ở công ty. Ngoài ra chị còn có thu nhập từ tiệm bán đồ ăn mang về.
"Tôi đặt mục tiêu 5 năm tới mua được ngôi nhà riêng của hai mẹ con, đến lúc đó sẽ làm những chiếc kệ trưng bày tất cả những dụng cụ nhà bếp mà tôi xem như báu vật", người phụ nữ ngoài 40 tuổi, chia sẻ.
Một phần bộ sưu tập thìa dĩa của chị Thùy.
Phan Dương