Thứ sáu, 20/12/2024
Thứ tư, 26/10/2022, 07:16 (GMT+7)

Bà nội trợ nhặt rác phủ xanh hai sân thượng

Mất một năm thử nghiệm cùng những lần ra chợ xin rác như rau, chuối hỏng, đầu cá, bã đậu... về ủ phân, chị Huyền Trang biến hai sân thượng bỏ không 20 năm thành vườn.

Thấy trên mạng xã hội nhiều người trồng được rau sạch trên sân thượng, chị chị Đặng Huyền Trang, 38 tuổi, cũng muốn thử thách bản thân.

Em trai khuyên chị nên cân nhắc vì trồng rau không sinh lời, chỉ tốn tiền bạc, thời gian và công sức, nhưng nghĩ đến mục tiêu có rau sạch để ăn, người phụ nữ 38 tuổi vẫn làm. Chị thử nghiệm bước đầu trên sân thượng 10 m2, tháng 8/2021. "Càng làm, tôi càng yêu đứa con tinh thần này", chị Trang, ở TP Hải Phòng kể.

Chị đi thu gom những thùng xốp bỏ đi, chai nhựa cắt đôi, đổ đất mang lên sân thượng tầng hai trồng rau và bón bằng phân ủ từ rác nhà bếp. Nhờ vậy vườn xanh tươi chỉ sau vài tháng mà không tốn quá nhiều chi phí. Đây cũng là động lực để chị tiếp tục làm vườn trên sân thượng khác, rộng 50 m2, đã bỏ không 20 năm của gia đình.

Tháng 3/2022, chị Huyền Trang thuê thợ làm chống thấm bằng munich G20 (vật liệu chống thấm hai thành phần) và gia cố xung quanh bằng lưới, quyết xây dựng "khu vườn trên mây" một cách bài bản. Chi phí chống thấm và nhà lưới cho 50m2 sân thượng là 50 triệu đồng.

Chị kêu gọi chồng, anh chồng và con gái cùng chuyển đất lên giúp. Sau này cần bổ sung thêm, chị chia nhỏ rồi tự xách lên.

Ban đầu, vườn chỉ trồng các loại rau ăn lá như rau muống, mùng tơi, xà lách. Sau này chị trồng thêm các loại cây leo giàn, cây ăn quả như khế, hồng xiêm, đu đủ và sung Mỹ.

Không biết cách trộn đất, chị mua sẵn đất đóng bao đã trộn về trồng, nhưng cây èo ọt, thu hoạch kém. Đọc nhiều bài chia sẻ kinh nghiệm trên mạng xã hội, chị Huyền Trang dần học được cách chăm sóc, cải tạo đất và bổ sung phân bón.

Chị Huyền Trang ghép các thùng xốp với nhau bằng keo silicon, khi khô đặt cố định tại giá sắt không dịch chuyển để tránh bị vỡ. Dùng nhà màng, ít bị nước mưa hắt nhưng chị vẫn phải đục lỗ ở ngang thùng để thoát nước.

Vườn trồng nhiều bí bơ và bí thiên nga, đều cùng họ với bí đỏ. Chị chủ vườn ghép 5 thùng 70 lít lại để trồng. Bí bơ nuôi quả thân chín, quả nhỏ nên không khoanh gốc.

Vì có nhà màng nên hạn chế được sâu xanh nhưng loại sâu bọ nguy hiểm là bọ trĩ, nhện đỏ, bọ phấn trắng, chị phải dùng thuốc đặc trị. Ở mỗi gốc cà chua, chị đặt bẫy (màu vàng) trị bọ phấn trắng, nhờ vậy cây sai quả, phát triển tốt.

Chị Trang thuê thi công lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, chi phí cho cả vườn là 4,5 triệu đồng. "Hệ thống tưới nước rất tiện, đặc biệt là trồng các loại cây giàn leo không bao giờ lo thiếu nước", chị nói.

Mỗi sáng, chị Trang đạp xe ra chợ xin rau, chuối hỏng, đầu cá và bã đậu... về ủ phân bón cho cây.

Mỗi loại "rác" đi xin về, chị có cách tận dụng khác nhau. Bã đậu trộn ủ đất bón lót cho các loại rau từ ăn lá đến ăn quả. Đầu, ruột cá và chuối chín hỏng chôn đáy thùng cho các chậu trồng rau lấy quả như cà chua, bí bơ, dưa chuột. Rau thừa ủ với trấu và cám gạo và men thơm. Mùn vỏ mía, rơm trộn cùng đất cho hoai để giúp đất rơi xốp hoặc phủ mặt đất giữ ẩm.

Các phân tự ủ, chị tưới định kỳ tuần hai lần cho rau ăn lá và tưới theo giai đoạn phát triển cho quả, củ.

"Vụ này chưa được vụ sau thử tiếp cho bằng được", chị chia sẻ bí quyết.

Chị ngâm phân dơi, phân gà qua đêm tưới cho rau lấy quả trong thời kỳ nuôi quả cần nhiều dinh dưỡng. Khi thấy rễ trồi lên, chị bón gốc bằng phân bò trộn với đất, khoảng 10 ngày một lần. Kinh nghiệm của chị Trang là chọc ngón tay xuống đất, nếu thấy khô thì tưới bổ sung ngay.

Trên vườn, chị Huyền Trang thử trồng các loại dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột.

Tuy nhiên năm nay mưa nhiều, cây không lớn được nên phải nhổ bỏ. Có đợt dưa chị trồng 30 cây, chỉ giữ lại được 7 cây. "Nhưng dưa ngon ngọt, quan trọng hơn là cảm giác an tâm vì được ăn đồ sạch", chị nói.

Sau hai năm phủ kín sân thượng, chị Huyền Trang cho biết, không chỉ có thêm rau sạch để ăn, con có không gian vui đùa, chị còn biết quý trọng các loại rác thải hơn. Những thứ trước đây không quan tâm tới hoặc không nghĩ nó có lợi, nay trồng rau chị tận dụng biến thành phân bón cho cây.

Hàng ngày lên chăm vườn và nhìn thành quả, chị cũng thấy được động viên, tăng thêm năng lượng để tiếp tục. "Không mang lại giá trị tiền bạc nhưng vườn lại giàu giá trị tinh thần. Đây cũng là khoản đầu tư xứng đáng", chị chia sẻ.

Nhật Minh
Ảnh: Trang Hana