Theo báo giá của các hãng gas, từ ngày 1/12, giá gas bán lẻ tăng thêm 80.000 đồng bình 12 kg, tức là khoảng 20%. Không chịu nổi mức giá quá cao này, chị Nga quyết định quay trở lại loại bếp truyền thống, dù biết là độc hại.
Chị sắm một chiếc bếp và 30 viên than về chất ở nhà kho, tổng cộng chưa đến 200.000 đồng. Hàng ngày chị có thể mang than sang nhà hàng xóm vốn bán hàng ăn châm lửa nhờ nên không tốn công nhóm bếp. Bình thường, một bình gas nhà chị dùng được 40 ngày, chỉ để nấu ăn hai bữa trưa, tối cho gia đình 4 người. Nếu bình gas 400.000 đồng như trước, trung bình mỗi ngày chị mất hơn 10.000 đồng. Mua thêm bếp than, bên cạnh tiết kiệm gas, chị dự tính sẽ tiết kiệm điện khi nước tắm của cả nhà sẽ được nấu bằng bếp than thay vì dùng bình nóng lạnh.
Để tiết kiệm gas, chị Linh Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) đã quyết định thay đổi thực đơn của cả nhà, ăn uống đơn giản hơn. Bình thường chị vẫn chê ông xã lười khi chỉ úp mì ăn liền bằng nước sôi đun qua ấm siêu tốc nhưng giờ chính chị cũng làm thế và tự thấy ngon nhờ niềm vui tiết kiệm. Mỗi lần đi chợ, chị luôn chọn những món ăn tiêu thụ ít năng lượng nhất như luộc, xào... Bao giờ chị cũng sơ chế xong tất cả món ăn rồi mới bật bếp nấu một lèo để tiết kiệm gas. Chị cũng không quên đậy nắp xoong nồi để giữ lửa, không để lửa bếp quá to để khỏi tốn năng lượng, đồng thời cũng tránh được nguy cơ cháy xoong.
"Một việc quan trọng nữa là mình siết van đóng bình gas ngay khi sử dụng xong. Từ hồi mình sợ cháy nổ, chịu khó khóa van bình gas, mỗi bình gas nhà mình cũng dùng thêm được khoảng một tuần", chị Linh Hương khoe và cho hay cũng đang nghiên cứu xem có nên đổi sang bếp hồng ngoại không, nghe nói sẽ tiết kiệm được khoảng 30% năng lượng. Tuy nhiên, một chiếc bếp hồng ngoại giá rẻ nhất cũng hơn một triệu đồng. Vì thế chị phải nghe ngóng các khoản thưởng Tết thế nào mới dám quyết định dù chiếc bếp gas của gia đình đã cũ.
Đang sửa nhà đón Tết, vợ chồng chị Vân (quận 2, TP HCM) vẫn còn tranh cãi không biết lắp bếp gas hay bếp từ. Anh Vũ thì thích dùng bếp từ vì sợ mấy vụ cháy nổ gần đây nhưng chị Vân lại thích dùng bếp gas do thấy đầu tư vào hệ thống bếp từ đắt quá. Chưa kể, nếu thay bếp từ, chị sẽ phải từ bỏ mấy bộ xoong nồi yêu thích được bạn bè tặng đám cưới cách đây 4 năm. Tuy nhiên chị bắt đầu suy nghĩ lại khi thấy gas tăng giá.
Theo chị, giá gas vẫn tăng rồi lại giảm, thất thường như giá xăng, nhưng nếu tính cả một năm thì giá gas năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện nhà chị có một bếp gas, chỉ dùng để chế biến thức ăn như xào, chiên còn rất nhiều món khác chị đã sử dụng nồi chuyên dụng như nồi hầm áp suất, nồi nướng, nồi cơm, ấm đun nước siêu tốc đều bằng điện..., mỗi tháng nhà chị (gồm 5 miệng ăn) cũng tiêu thụ hết gần 2/3 bình gas, trong khi điện dùng hàng tháng khoảng 500.000 đồng.
“Cũng chưa biết cái nào tiết kiệm hơn, nhưng nhìn gas tăng chóng mặt như thế, có lẽ mình sẽ dùng bếp từ cho hợp ý ông xã”, chị Vân cho biết.
Ngay sau khi gas tăng giá, độc giả Vũ Bá Tiến viết mail tới VnExpress.net kể mấy tháng nay nhà anh không sử dụng gas. Trước đó, một bình gas nhà anh dùng được hơn một tháng, tính ra mất gần 400.000 đồng, tiền điện gần 300.000 đồng. Nhưng sau nhiều vụ nổ gas, anh quyết định dùng bếp điện. Bây giờ mỗi tháng cả nhà anh trả tiền điện cũng chỉ khoảng 400.000 đồng, tính ra không chỉ an toàn mà còn tiết kiệm được kha khá.
Trên các diễn đàn, nhiều bà nội trợ cũng chia sẻ kinh nghiệm, so sánh lợi hại về việc dùng bếp gas hay bếp điện và bếp từ. Bếp từ dùng sạch sẽ hơn, mùa hè dễ chịu hơn vì không gây nóng ra ngoài không khí như bếp gas, tuy nhiên bếp từ đòi hỏi nguồn điện phải ổn định và mạnh, đồng thời cũng tốn tiền đầu tư ban đầu hơn bếp gas. Bếp gas bị thất thoát nhiệt năng ra ngoài nhiều hơn bếp từ do giữa nồi đun và bếp gas cần phải có một khoảng không gian nhất định cho lửa cháy, trong khi nồi đun của bếp từ đặt sát bề mặt bếp.
Thậm chí, theo bà nội trợ Thu Hà, không cần đầu tư cả chục triệu đồng cho một hệ thống bếp từ âm, chị chỉ mua 2 chiếc bếp từ giá dưới 1 triệu, khi mua được tặng kèm nồi inox, dùng luộc rau, nấu canh, ninh xương, làm các món có nước đều rất nhanh. Khi nước chưa sôi, chị chọn nấc công suất cao (1000-1200W), sau khi sôi thì hạ xuống mức 1, 2 cho đỡ tốn điện. Ngoài ra, chị cũng mua thêm một chiếc chảo dành riêng cho bếp từ giá 450.000 để chiên xào. Chiếc chảo này không có vung, tuy nhiên khi đun nấu, chị vẫn mượn tạm vung của chiếc xoong có kích cỡ tương tự để giữ nhiệt cho thực phẩm và tiết kiệm năng lượng.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Đình Chiến, Khoa Điện - Điện tử, ĐH Bách Khoa TP HCM, sử dụng bếp từ an toàn hơn nhiều so với các loại bếp khác. Trên thị trường, bếp từ đang được coi là loại tiết kiệm năng lượng nhất.
Theo báo cáo vừa được hãng nghiên cứu Nielsen công bố hồi giữa tháng 11, người Việt thường ưu tiên tiết kiệm điện, gas. Việt Nam là nước duy nhất trong 6 nước Đông Nam Á chọn tiết kiệm gas và điện là cách giảm sinh hoạt phí hàng đầu.
Kim Anh