Ngày xưa, bà nội làm bánh gai rất khéo. Nhờ những chiếc bánh của bà, kỷ niệm về Tết trong tôi ngọt ngào và ấm áp hơn.
Mùa đông quê tôi mưa rét triền miên. Gần đến tháng chạp, chọn ngày tạnh ráo, nắng mới hửng lên sau đợt gió mùa, bà nội cắp một chiếc thúng nhỏ ra vườn sau. Ở đó có mấy bụi lá gai trồng lưu niên năm này qua năm khác. Ngày dưng, bọn con gái trong nhà thường lén bà hái lá về làm tiền giả, chơi đồ hàng, cười chí cha chí chách.
Chọn lá bánh tẻ, lành lặn, bà hái đầy thúng, rồi đem vào, rắc ra nong phơi ngoài nắng. Đợi khi lá gai vừa héo, bà bỏ vào cối đá, giã nhỏ, lọc hết gân xơ, xong giã lại thêm lần nữa, cho thật nhuyễn mịn, đem phơi nắng, đến khi nào thành một thứ bột nâu thẫm, mềm xốp, tỏa mùi thơm nồng nồng là được. Bà gói bột vào giấy báo, cất thật kín trong chiếc tủ gỗ, đợi Tết về sẽ gói bánh gai.
Mấy tàu lá chuối hột lành lặn cũng được bà hạ xuống, phơi qua một lần nắng nhạt. Nhằm phải ngày không có nắng, bà hong lá chuối bên bếp lửa, đến khi lá mềm rủ xuống, chuyển màu xanh thẫm. Rồi bà dọc lá, xé thành từng miếng nhỏ, dùng vải sạch lau chùi cẩn thận, đem hong ngoài hiên cho khô hẳn. Lá chuối bà đem bó tròn, xếp vào rổ xảo rồi gác lên cót lúa.
Cuối chạp, không khí Tết tưng bừng xóm nhỏ. Con nít tụi mình đi chơi, nghe tiếng rao lảnh lót "Ai mật mía đơi... ơi... ơi" là ù té chạy theo, dắt cô hàng mật về tận nhà. Bà đem thóc đổi lấy vài lít mật, cho vào chiếc can nhựa vàng, nút chặt lá chuối rồi để cẩn thận vào góc nhà.
Hăm tám, hăm chín Tết, mùi mật mía, mùi gạo nếp xay, mùi gừng thơm phảng phất trong không khí. Bà rải chiếu ra sân, ngồi hí hoáy trộn nhân, ngào bột. Gạo nếp xay nhỏ trộn với lá gai, ngào thêm mật mía thành một thứ bột dẻo quẹo, đen sẫm, thơm ngòn ngọt. Nhân bánh bà làm bằng bột đậu xanh, thêm ít cùi dừa nạo và mấy miếng thịt mỡ thái mỏng trong như thạch. Lá chuối đã lên màu nâu thẫm, khô nhưng dai và bền. Bà thoăn thoắt, tay quấn bù hụp lá, tay vo vỏ bánh, làm nhân.
Bọn mình ngồi xung quanh, thèm thuồng nhìn những chiếc bánh nâu nâu, tròn tròn, nhỏ như nắm tay xếp cao dần trên mâm, thi nhau hỏi "Sắp hết bột chưa bà ơi, có lấy thêm lá không bà ơi..." Khi bánh đã gói xong, bà mang đồ trên bếp củi. Chỉ độ hơn nửa tiếng, đã ngửi thấy mùi bánh thơm dịu trong không khí. Thích nhất là trước khi nhắc nồi bánh ra, bao giờ bà cũng gắp một hai chiếc bánh , bóc vỏ để thử xem bánh đã chín kĩ chưa. Lũ trẻ bọn mình vây quanh chiếc bánh, mỗi đứa thử một miếng, rồi lao nhao góp ý cho bà. Cái miếng bánh ăn thử ấy, với mình, bao giờ cũng là miếng bánh thơm ngon nhất.
Ngày Tết, nhà mình có thêm vài loại bánh, nhưng bánh gai của bà nội vẫn là món "chạy" nhất. Vỏ bánh dẻo rền, nhân bánh ngọt lịm, thơm bùi mà không ngấy, càng ăn càng vào. Những ngày đầu năm qua đi, thúng bánh vơi dần một nửa. Ra riêng, khi mưa xuân bắt đầu lắc rắc, vỏ bánh se dần, hơi khô lại. Bà bảo "Bánh không còn dẻo, nhưng bùi". Mình cũng thấy đúng là như vậy. Bố mẹ ra đồng, bao giờ cũng cầm theo một túm bánh gai. Lũ trẻ tụi mình nghỉ học, chạy chơi chán, thấy đói là ù té về nhà, làm chiếc bánh gai, uống thêm cốc nước là lưng lửng bụng.
Bà mất đã lâu. Những cái Tết bây giờ không nghèo như trước nữa. Mấy bụi lá gai vườn sau đã bị nhổ trụi vì chẳng còn ai gói bánh. Thèm miếng bánh gai ngày Tết, kêu mẹ ra chợ mua. Cắn một miếng, vị ngọt dâng lên đầu lưỡi. Cũng dẻo thơm, cũng ngọt ngào nhường ấy, sao không giống bánh ngày xưa bà làm?
Từ ngày 15/1 đến hết 1/3, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi "Tết và tuổi thơ" để chia sẻ những cảm xúc, kỷ niệm ngày Tết bé thơ đầm ấm bên gia đình. Độc giả bấm vào đây để tham gia. |
Mai Xuân Sơn