CNN ngày 22/6 đăng bài có nội dung Ủy ban Tình báo Thượng viện đang điều tra các liên hệ giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump với một quỹ đầu tư do ngân hàng Nga VEB kiểm soát. VEB nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
CNN gỡ bài hôm 23/6. Thomas Frank, tác giả bài viết, cùng biên tập viên Eric Lichtblau và Lex Haris, đứng đầu nhóm điều tra vừa thành lập, đều xin thôi việc, AFP đưa tin ngày 27/6. Cả ba nhà báo đều là những người được kính trọng. Việc họ thôi việc được cho là khiến đồng nghiệp bất ngờ. Lichtblau từng là nhà báo kỳ cựu tại New York Times và đoạt giải Pulitzer năm 2006.
Bài viết dẫn một nguồn giấu tên nói doanh nhân Anthony Scaramucci, thành viên nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump, có thể đang bị điều tra. Scaramucci được cho là gặp tổng giám đốc quỹ đầu tư Nga hôm 16/1.
Người phát ngôn cho CNN cho biết bài viết "không đáp ứng các tiêu chuẩn biên tập của CNN". CNN đã chấp nhận đơn xin thôi việc của các cá nhân liên quan. Bài viết chỉ dựa trên một nguồn ẩn danh, trong khi đó nhiều hãng tin yêu cầu phải có từ hai nguồn trở lên mới được phép đăng bài.
Tổng thống Trump chỉ trích CNN là kênh cung cấp "tin tức giả". "Wow, CNN đã phải rút một câu chuyện lớn về 'Nga', ba nhân viên phải thôi việc", ông viết trên Twitter cá nhân sáng 27/6.
Ông Scaramucci trước đó tỏ ý hài lòng với cách CNN giải quyết vấn đề. "CNN đã hành động đúng. Lời xin lỗi được chấp nhận. Ai cũng có lỗi lầm", ông cho biết hôm 24/6.
Diễn biến trên được coi là một thất bại với CNN. CNN hồi đầu năm thông báo lập một đơn vị điều tra nhằm cạnh tranh với đối thủ như New York Times, Washington Post, Politico và Wall Street Journal trong việc đưa tin về chính quyền Trump.
Như Tâm