'Luôn tìm kiếm sự mới mẻ' là kinh nghiệm mà bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc REE chia sẻ về tư duy lãnh đạo trong sự kiện Women's Summit 2019 của Forbes mới đây. Theo bà, tinh thần đó giúp vượt qua được nguy cơ hình thành 'sức ỳ' trong quản lý, nhất là với những người nắm giữ vị trí điều hành quá lâu.
Thực tế, bản thân bà Thanh đã gắn bó với REE 37 năm, khi công ty còn là một xí nghiệp kinh doanh thiết bị lạnh so với một công ty cổ phần với tổng tài sản 15.500 tỷ đồng như hôm nay.
Năm 1982, khi tốt nghiệp tại Đông Đức về, bà tìm một công ty liên quan đến ngành học là điện lạnh. "Đến khi vào xưởng thì mới thấy máy móc đã gỉ sét nhưng tôi không nản chí. Tôi còn nghĩ đây chính là nơi mình sẽ làm nên điều gì đó", bà Thanh kể lại những ngày đầu bước vào Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh (TP HCM).
Năm đó, bà phụ trách một phân xưởng, với một kỹ sư duy nhất. Bà quyết định tận dụng máy móc cũ để xây dựng nhà máy nước đá. Thời gian sau, công ty đã có 10 nhà máy nước đá ở Đồng bằng Sông Cửu Long, sản xuất nước đá công nghiệp để phục vụ cho các tàu đánh bắt cá.
Bước ngoặc đến vào năm 1986. "Những doanh nghiệp lúc ấy như được đón luồng gió mới và chúng tôi tiếp nhận điều đó rất hồ hởi", bà Thanh miêu tả. Chỉ ít năm sau, tức vào 1992, xí nghiệp của bà Mai Thanh cổ phần hóa. Một năm sau đó thì trở thành công ty cổ phần có vốn nhà nước, vốn của cán bộ công nhân viên và vốn nước ngoài. Cái tên REE cũng ra đời.
Theo báo cáo thường niêm 2018, doanh thu nhóm công ty của REE năm qua đạt 5.101 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 1.784 tỷ đồng, tăng 29,6%. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu tăng 29,6%, đạt 5.754 đồng. Tình hình kinh doanh của REE vẫn thuận lợi nhưng bản thân bà Thanh luôn chưa hài lòng.
"Nhiều lúc tôi nhìn lại thấy sao hình mẫu công ty mình cũ kỹ quá, không giống như công ty công nghệ của các bạn trẻ ngày nay. Tôi rất háo hức và cứ nghĩ làm sao để mình học được vậy. Tôi luôn luôn hỏi đội ngũ của mình 'Này các bạn, mình phải làm cái gì mới đi chứ'", bà Thanh nói. Đó cũng là lý do công ty đang đưa thêm công nghệ vào để nâng cấp các hoạt động.
'Thay đổi' cũng là từ thường xuyên được bà Thanh nhắc đến về cách thức điều hành trong bối cảnh kinh tế hiện nay.Trong thông điệp gửi cổ đông, bà cũng dự báo rằng kinh tế Việt Nam và thế giới năm nay sẽ còn những thử thách bất lợi. "Mình muốn thay đổi thật nhanh, mình phải luôn xem vị trí của mình ở đâu trên thị trường. Hơn nữa, là công ty niêm yết thì phải luôn nhìn trước 5-10 năm nữa công ty sẽ ra sao", bà nhận định.
Nói về việc phụ nữ làm lãnh đạo cao nhất trong công ty, bà Thanh cho rằng không có nhiều cản trở. Tuy nhiên, họ phải vượt qua nhiều khó khăn hơn nam giới để trở thành một người lãnh đạo tốt. Thứ nhất là yếu tố gia đình, nếu không có sự ủng hộ của người chồng thì sự nghiệp khó tiến tới suôn sẻ.
"Điều trước tiên là phải để người bạn đời hiểu mình làm gì. Mình phải dung hòa giữa yếu tố công việc và gia đình. Đó là cả một nghệ thuật. Trong hoàn cảnh của tôi, đó là vấn đề chính nếu muốn là người lãnh đạo doanh nghiệp lớn", bà chia sẻ.
Khi được hỏi hình mẫu nữ lãnh đạo nào đã truyền cảm hứng để noi theo, người đứng đầu của REE lắc đầu. Tuy nhiên, bà luôn để ý những điểm nổi bật, sắc sảo của nhiều người khác nhau, cả nam lẫn nữ. Trong quá trình đó, bà tích lũy những gì có thể học theo và tôi luyện. Bà cho rằng, tùy hoàn cảnh, môi trường và lĩnh vực thì tố chất cần rèn giũa sẽ khác nhau.
"Luôn luôn tìm kiếm những cái mới, nhìn về tương lai để đổi mới chính mình", bà dành lời khuyên sau cùng cho những người phụ nữ đang ấp ủ giấc mơ điều hành doanh nghiệp.
Viễn Thông