Tại buổi họp báo về tình hình ô nhiễm môi trường chiều 9/10, ông Cao Tung Sơn (Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM) cho biết, cơ quan này quan trắc chất lượng không khí tại 30 vị trí với tần suất 10 ngày mỗi tháng vào hai thời điểm 7h30-8h30 và 15h-16h.
Kết quả cho thấy có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng, PM10, PM2.5...) trong các ngày 18 đến 20/9. Đặc biệt, ngày 20/9 bụi lơ lửng tăng gấp 2,19 lần; NO2 tăng 1,41 lần; CO tăng 1,4 lần. Cơ quan này cũng ghi nhận sự gia tăng bụi mịn PM10; PM 2.5 tăng từ 1,9 lên 2,2 lần - vượt chuẩn lần lượt là 50%, 25%.
Ông Cao Tung Sơn tại buổi họp báo chiều nay. Ảnh: Hữu Nguyên. |
Số liệu quan trắc tại 19 vị trí giao thông cho thấy hơn 50% là bụi lơ lửng, gần 94% là mức ồn - vượt quy chuẩn cho phép. Trong 9 tháng đầu năm, nồng độ các chất ô nhiễm tại vị trí Cát Lái (quận 2), ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh (quận 7), Gò Vấp, An Sương, Bình Phước thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vòng xoay Mỹ Thuỷ cao nhất.
Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, theo ông Sơn, đến từ 3 nguồn: hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và xây dựng. Trong đó, ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất bởi TP HCM hiện có khoảng 10 triệu phương tiện (7,6 triệu xe máy, 700.000 ôtô, còn lại là xe của người tỉnh thành khác mang vào); 37 điểm thường xuyên kẹt xe... nên lượng khí thải độc hại ra môi trường là rất lớn.
Để giảm thiểu ô nhiễm, ông Sơn cho rằng cơ quan chức năng phải kiểm soát được nguồn ô nhiễm. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn tất đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường trình UBND TP HCM, để đầu năm 2020 triển khai thực hiện.
Về việc công bố kết quả quan trắc chậm, ông Sơn nhìn nhận đây là hạn chế của trung tâm bởi vẫn phải quan trắc bằng biện pháp thủ công gián đoạn, cần có thời gian lấy mẫu, phân tích mẫu... nên mất nhiều thời gian. "Trong tình hình như vậy, thì việc công bố kết quả sau một tuần cũng tương đối là kịp thời để khuyến cáo người dân", ông Sơn nói và mong người dân chia sẻ.
Giám đốc Trung tâm quan trắc cho rằng, năm 2020 khi triển khai đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường sẽ có 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và một trạm quan trắc không khí tự động liên tục, di động, khi đó kết quả quan trắc sẽ được cung cấp đến người dân nhanh hơn.
Thành phố sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý mạng lưới quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng; xây dựng các phần mềm chuyên dụng để cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đến người dân hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại thông minh và tiến đến dự báo về ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn.
Liên quan đến số liệu đánh giá chất lượng môi trường của AirVisual - liên tục cảnh báo chất lượng không khí TP HCM ở mức ô nhiễm nặng (màu đỏ), có hại cho sức khoẻ của người dân, ông Sơn nói: "Qua tìm hiểu chúng tôi thấy độ sai số theo phương pháp họ đang dùng là khá cao trong điều kiện thời tiết bất lợi như nhiệt độ, áp suất, ánh sáng không thuận lợi".
Buổi họp báo diễn ra sau gần một tháng TP HCM thường xuyên xuất hiện tình trạng mù quang hoá, đặc quánh từ sáng đến chiều tối, đặc biệt trong các ngày 18-25/9. Người dân tham gia giao thông bị hạn chế tầm nhìn, không thể nhìn thấy tòa nhà 81 tầng Land Mark (quận Bình Thạnh) hay Bitexco 68 tầng (quận 1) khi đứng cách xa 300 m...
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm 2/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hà Nội, TP HCM có giải pháp xử lý ô nhiễm không khí.
Hữu Nguyên