Cụ ông là một trong 3 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn điều trị ở Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí từ cuối tháng 7 đến nay. Một nữ bệnh nhân 42 tuổi nhập viện đầu tháng 8, trong tình trạng kích thích, sốt cao, đau đầu, nôn, đại tiểu tiện không tự chủ... Người này làm nghề giết mổ lợn, không mặc trang phục bảo hộ lao động. Người còn lại 59 tuổi, nhiễm liên cầu lợn do bị dao làm xước tay trong khi cắt thịt khiến khuẩn liên cầu xâm nhập vào cơ thể qua vết thương.
Bác sĩ Trịnh Thu Hoàn, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, cho biết các bệnh nhân đều được chọc dịch não tủy, điều trị kháng sinh liều cao, chống phù não, giảm đau, bù nước điện giải. Trong 3 bệnh nhân, có một chữa khỏi hoàn toàn, một người bị di chứng liệt nửa người, người còn lại giảm thính lực.
Bác sĩ Hoàn cho biết trung bình mỗi năm khoa tiếp nhận 8-10 bệnh nhân liên cầu lợn, riêng một tháng nay có liên tiếp 3 ca. Đây là bệnh lây truyền từ động vật sang người, bởi liên cầu khuẩn Streptococcus suis.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh liên cầu lợn lây truyền trực tiếp cho con người thông qua việc ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa nấu chín như tiết canh, nem chua, nem chạo... 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn do ăn tiết canh lợn. Một số bệnh nhân tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da.
Hiện chưa có bằng chứng liên cầu lợn lây trực tiếp từ người sang người.
Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh diễn biến cực kỳ nhanh gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. Bệnh nhân thường gặp 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu đã nhiễm khuẩn nặng.
Thời gian ủ bệnh liên cầu lợn trên người có thể vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Dấu hiệu là sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài nhưng không đi nhiều lần, dễ lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. Người bệnh cũng có biểu hiện đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn. Trường hợp nặng, có thể sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng... bệnh nhân hôn mê và tử vong.
Bệnh điều trị bằng kháng sinh, thời gian điều trị thường kéo dài, kết hợp lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ có thể phải điều trị ít nhất 3 tuần, bị nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến 2 tháng, chi phí điều trị lên đến hàng trăm triệu đồng.
Các bác sĩ điều trị khuyến cáo bệnh nhân có thể tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn là khoảng 7%. Nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40% (thường là điếc không hồi phục).
Người bị nhiễm liên cầu lợn vẫn có thể mắc lần sau. Vì vậy, cần ăn chín, uống sôi trong mọi thời điểm. Hiện chưa có vắcxin phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Vi khuẩn gây bệnh hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ.