Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến (56 tuổi) ở Hương An (huyện Quế Sơn) đã 7 năm nuôi cháu ngoại Thanh Luân vì bố mẹ cậu bé ly hôn từ khi con một tuổi. Lúc cháu được 30 tháng tuổi bà quyết định cho đi nhà trẻ để quay trở lại làm bảo vệ chợ.
Nhưng một tuần sau tai họa ập xuống. Bà nhớ mãi đó là đêm cuối tuần, ba mẹ con bà cháu cùng nằm trên một chiếc giường, Luân kêu đau chân. Sáng hôm sau, mẹ bé, chị Thanh Hương cho con đi bệnh viện huyện. Chụp phim không vấn đề gì, nhưng đến kết quả xét nghiệm máu bác sĩ bỗng bối rối nói: "Không biết cái máy xét nghiệm bị hư hay sao mà kết quả là cháu bé bị ung thư máu".
Ba từ "ung thư máu" như tiếng sét bên tai. Chị Hương vừa ra khỏi phòng, bà Tuyến gọi điện hỏi. Người mẹ thổn thức báo tin con bị ung thư.
Không khí gia đình nhuốm một màu u ám, không ai buồn nói gì suốt mấy ngày. Nhưng rồi sau đó họ buộc phải giấu nỗi đau, động viên nhau nhanh chóng chấp nhận thực tại để điều trị cho bé.
Thanh Luân trở thành một trong những bệnh nhi nhỏ nhất ở Bệnh viện 600 giường Đà Nẵng ngày đó. Lần vào hóa chất đầu tiên, cơ thể cậu bé bị giật đùng đùng, sùi bọt mép. Chị Hương chứng kiến cảnh đó chỉ kịp gọi bác sĩ, rồi khụy xuống run cầm cập.
Bà Tuyến nghe tin vội bỏ công việc, chạy xe giữa trưa nắng đến viện. Cháu của bà vào phòng cấp cứu từ 11h trưa đến 4h sáng hôm sau mới tỉnh. Lúc đó, cậu bé chỉ nhìn được nửa khuôn mặt, nửa bên phải cứng đơ. Mẹ con bà Tuyến lại một lần nữa hoảng hốt, chỉ sợ Luân đã bị bệnh hiểm nghèo nhỡ nay còn bị bại não nữa thì quá tội. Nỗi lo chỉ được trút xuống khi kết quả điện não đồ bình thường và vài tiếng sau hai bên cơ mặt của Luân hoạt động được.
Ung thư mà một hành trình dài mệt mỏi, tốn kém. Bà Tuyến nghĩ chị Hương khó mà trụ được trước những lần bé Luân rơi vào lằn ranh sinh tử như thế nên động viên giao cháu cho mình, quay lại làm việc để lấy kinh phí điều trị.
Từ đó là chuỗi ngày bà Tuyến buộc cháu sau lưng chở hơn 40 km từ nhà tới viện. Bà chăm Luân cẩn thận. Bao giờ trong hành trang đến viện cũng có ba bộ áo mưa để hai bà cháu mặc và một cái trùm bên ngoài. Cậu bé thường ngủ ngon trên lưng bà vì bất kể nắng mưa đã có bà che chắn.
Trong ăn uống hàng ngày, bà Tuyến có thể ăn cơm thừa, dùng lại thìa đũa của cháu. Nhưng riêng Luân, mọi đồ dùng luôn được chần nước sôi; mọi đồ ăn đều được bà tự tay chuẩn bị bởi bé sức đề kháng kém, chỉ cần sơ sẩy một li thì có thể rơi vào lằn ranh sinh tử lần nữa. Nhờ sự chăm sóc của bà, Thanh Luân qua được một năm điều trị hóa chất. Sau đó cậu bé được chuyển sang giai đoạn duy trì và tái khám mỗi tháng một lần.
Khi 6 tuổi, cậu bé cũng bước chân tới trường tiểu học như bao bạn bè trang lứa. Song, mới đi học được vài ngày, cô giáo gọi về thông báo Luân bị tăng động. Ngồi trong lớp nhưng cậu bé ngó Đông, ngó Tây, phá thầy chọc bạn. Những trẻ từng bị ung thư như bé không thể ngồi lâu vì cơ thể nhức mỏi.
Bà Tuyến lại bỏ đó mọi thời gian và việc nhà để kèm cặp cháu tập viết và đánh vần từng con chữ. Đi chăm cháu suốt mấy năm bà không thấy ức chế và stress như dạy thằng bé học. Phải mất ít nhất ba tháng rèn kỷ luật, Luân mới ngồi im được nửa tiếng, chữ mới có khuôn, có hàng.
Sang năm lớp 2, Luân vào nếp, học hành tiến bộ. Bà Tuyến đang kỳ vọng năm học lớp ba này cháu sẽ có thành tích tốt. Nhưng trung tuần tháng 7 vừa qua, con kêu đau răng, sau vài ngày sốt cao, tức ngực. Bà Tuyến dự cảm chẳng lành, đưa luôn ra bệnh viện làm lại tủy đồ. Kết quả khiến bà ngã quỵ lần nữa.
"Suốt những năm đi viện, cháu bị những cơn đau bệnh, đau thuốc, chọc tủy, lấy ven, lấy máu, truyền dịch, truyền máu hành hạ mỗi ngày. Thời gian cháu khóc nhiều hơn thời gian vui chơi bình thường", bà nghẹn ngào nói.
Xót cháu vì trước mắt là những đợt tra tấn mới, ông ngoại không cho điều trị, tính đem về nhà, dùng thuốc nam. Ngược lại, bà Tuyến kiên quyết theo lộ trình hóa chất đằng đẵng. "Đem về nhà cháu đi còn nhanh hơn. Mình theo bác sĩ, phước của cháu được bao nhiêu mình cũng toại nguyện vì đã làm hết sức", bà nói.
Lần này cậu bé 8 tuổi đi viện vẫn như 5 năm trước, chỉ có bà ở bên. Trước đó một năm, mẹ em những tưởng con ổn nên đã đi bước nữa. Ngày Luân vào hóa chất cũng là những ngày mẹ sắp lên bàn đẻ, hóa chất độc hại nên không được cho phép vào chăm.
Thuốc vào lần đầu tiên, cậu bé bị sốc không ăn uống được. Rất nhanh sau đó con bị viêm phổi, suy tủy, suy gan, nhiễm trùng máu. Bác sĩ tiên lượng không tốt. Nằm phòng cấp cứu suốt một tuần, Luân qua được cửa tử.
Theo bác sĩ điều trị Hoài Thu, bé Thanh Luân bị bạch cầu cấp dòng lympho B tái phát, hiện tại sức khỏe tạm ổn. Tuy nhiên đây mới là giai đoạn tấn công, quá trình điều trị còn dài nên chưa thể chắc chắn điều gì. Chi phí điều trị cũng rất tốn kém, vì có rất nhiều loại thuốc phải mua ngoài.
Bà Tuyến nhẩm sơ, chỉ trong một tháng riêng tiền thuốc hóa chất đã 30 triệu đồng và hơn 20 triệu các loại thuốc ngoài danh mục bảo hiểm chi trả, chưa kể ăn uống, sinh hoạt. Gia đình vốn suy kiệt từ lần điều trị trước, không còn khả năng chi trả tiếp đợt này.
Do sức khỏe Luân rất yếu, bệnh viện tạo điều kiện cho hai bà cháu ở một phòng vô trùng. Hơn hai tháng qua, cậu bé gần như chỉ nằm trên giường bệnh, ở trong bốn bức tường với một hướng duy nhất nhìn lên trần nhà. Trong tình cảnh khắp chân tay bị cắm ven, bà cố mua cho cháu một máy tính bảng để chí ít cho đôi mắt cháu hoạt động.
Cuối tuần qua là ngày Luân vui nhất từ hôm vào viện. Có một đoàn đến phát quà Trung thu và tổ chức trò chơi, cậu bé được tặng đồ chơi, quà bánh và được giao lưu với các anh chị.
"Với những đứa trẻ ở trong này như Luân, niềm vui chỉ là khi có những hoạt động như vậy, bởi lúc đó mới thấy các cháu cười", người bà nói.
Phan Dương
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước.
Độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây