Nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu là tên tuổi lớn trong giới nghiên cứu văn chương và văn hóa Nhật Bản. Ông có nhiều bài tiểu luận, công trình nghiên cứu, phê bình văn chương gây chú ý trong làng văn. Trong đó, tập biên khảo Ba nghìn thế giới thơm để lại dấu ấn với độc giả yêu văn chương Nhật Bản.
Đầu tháng 8, tác phẩm ra mắt bản hoàn chỉnh, bổ sung nhiều chương mới so với lần phát hành đầu tiên năm 2007. Sách gồm hai phần: Con đường thơ ca (tám chương) và Ba nghìn thế giới thơm (27 chương). Phần một mở đầu bằng việc giới thiệu những tác giả, biểu tượng xuất hiện trong thơ Nhật Bản, sau đó khép lại với lời bình về các bài thơ của Kobayashi Issa, một trong những thi sĩ vĩ đại của thể loại thơ haiku. Trong 27 chương ở phần hai, có chín chương được thêm mới, bàn về sự liên hệ giữa thiền và thơ.
Bằng việc đi sâu vào phân tích những tác phẩm của các thi sĩ Nhật qua nhiều thời kỳ, tác giả Nhật Chiêu dẫn dắt độc giả khám phá nền văn hóa Nhật. Cuốn sách tập trung vào việc giới thiệu và phân tích nhiều bài thơ thời Heian (năm 794-1185) như Kokinshu (Cổ kim tập), Manyoshu (Vạn diệp tập), lẫn tác phẩm của Matsuo Basho, Kobayashi Issa.
Ông Nhật Chiêu không chỉ dịch và giới thiệu các bài thơ, tác giả lồng ghép những phân tích sâu sắc về lịch sử, văn hóa, cảm thức thiên nhiên, triết lý, lý tưởng thẩm mỹ của người Nhật, giúp độc giả hiểu về ngữ cảnh và ý nghĩa của từng bài. Thể thơ haiku chỉ vỏn vẹn có 17 âm tiết và là thể thơ ngắn nhất thế giới. Tác giả đào sâu các quy tắc và phong cách sáng tác của những thể loại thơ truyền thống như tanka, haiku và renga. Đồng thời, ông phân tích sự phát triển và biến đổi của thơ ca qua các thời kỳ, mở ra nhiều kiến thức mới.
Theo tác giả, các nhà thơ Nhật Bản thường lồng ghép sự vật, thời tiết, loài hoa vào thơ, như ánh trăng, mưa, hoa dâm bụt, bướm. Trong đó, hình ảnh hoa triêu nhan (hoa bìm bìm) được miêu tả trong nhiều bài thơ. Nhà thơ Kobayashi Issa tìm niềm vui bằng việc quan sát hoa triêu nhan: "Lều tôi đêm tàn/ Mái như vừa lợp/ Những cánh triêu nhan". Còn Basho viết: "Bữa điểm tâm/ Tôi ăn và ngấm/ Những đóa triêu nhan".
Tập sách đề cập nhiều đến câu trong Thiền lâm cú tập (Zenrinkushu), cũng là nguồn cảm hứng đặt tên sách: "Hoa mơ một chút nhụy/ Ba nghìn thế giới thơm" (Nhất điểm mai hoa nhụy/ Tam thiên thế giới hương). Thơ Nhật Bản tinh tế và nhẹ nhàng như "chút nhụy hoa mơ", như phấn bay trong gió, truyền sức sống và tỏa hương thơm cho ba nghìn thế giới, biến đời sống thành nơi lung linh, huyền ảo.
Tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao. Dịch giả Quế Sơn cho biết sách cung cấp kiến thức sâu rộng về các thể thơ, đồng thời giúp người đọc cảm thụ nhiều bài thơ khác nhau. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ Haiku TP HCM - cô Kim Thanh - nhận xét: "Sách được viết dễ hiểu, cô đọng, súc tích, đậm chất văn học".
Trong buổi ra mắt sách sáng 3/8, tác giả cho biết vui mừng khi tác phẩm được đông đảo bạn đọc đón nhận, tái bản nhiều lần trong hơn 10 năm qua. Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu khuyên độc giả đọc theo tuần tự từ đầu đến cuối. Mỗi chương được sắp xếp có ngụ ý, theo mức độ tiếp nhận từ dễ đến khó, càng về sau càng mở rộng cách hiểu về thơ Nhật Bản. "Từ tập sách soạn ra với mục đích làm tài liệu học tập cho sinh viên, Ba nghìn thế giới thơm bước ra khỏi ngưỡng cửa trường học, trở thành 'sách gối đầu giường' của những người yêu thơ và văn học Nhật Bản", ông nói.
Khi nhận được câu hỏi liệu "chất thiền" trong thơ haiku có chịu ảnh hưởng bởi Phật giáo hay không, tác giả cho biết Nhật Bản vốn là nền văn hóa Phật giáo, từ đó quyết định đến nền văn học của họ. Những bài thơ là hình ảnh của tư tưởng tôn giáo, hướng con người đến cái thiện. Dù là cành hoa, con sâu hay ngọn cỏ, mọi vật đều có quyền được sống và được yêu thương.
Nhà thơ, nhà văn, dịch giả Nhật Chiêu, 73 tuổi, có hơn 40 năm nghiên cứu, giảng dạy và viết lách. Từ sau năm 1975, Nhật Chiêu gắn bó việc dạy văn ở trường Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM) trước khi là giảng viên của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM. Ông dành thời gian xây dựng giáo trình cho sinh viên các môn văn học Nhật, Trung Cận Đông, Phương Đông với nhiều đầu sách như Ba nghìn thế giới thơm (biên khảo), Những kiệt tác văn chương thế giới (viết chung), Basho và thơ Haiku (biên khảo), Nhật Bản trong chiếc gương soi (biên khảo), Đại cương văn hóa phương Đông (viết chung).
Từ năm 2006, Nhật Chiêu còn được xem là một hiện tượng văn xuôi với các truyện ngắn Mưa mặt nạ, Người ăn gió và quả chuông bay đi. Năm 2011, khi về hưu, ông có nhiều thời gian hơn để tập trung sáng tác, ra mắt hàng chục bài thơ, đầu sách như Lời tiên tri của giọt sương (tập truyện song ngữ Việt - Anh), Tôi là một kẻ khác (thơ tượng quẻ), Người về với Như (thơ ca tương chiếu).
Quế Chi