Nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu có nhiều đầu sách đã phát hành. Trong số đó, cuốn sách để lại dấu ấn sâu sắc của ông trong vai trò một nhà nghiên cứu, dịch giả chính là quyển Ba nghìn thế giới thơm. Vào lần phát hành đầu tiên năm 2007, quyển sách này được độc giả thuộc nhiều đối tượng như các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhất là sinh viên - học sinh yêu thích. Họ xem tác phẩm như "sách gối đầu giường" để đến thế giới thơ ca Nhật Bản thấm đẫm vẻ đẹp của thiền, triết, vạn vật tự nhiên và nhân sinh.
Từ sau sự xuất hiện của Ba nghìn thế giới thơm, ở Việt Nam mới bắt đầu xuất hiện trào lưu đọc, sáng tác thơ haiku của nhiều độc giả thuộc các độ tuổi. Nội dung trong sách còn được trích dùng trong sách giáo khoa Ngữ văn dành cho bậc phổ thông.
Tác giả cao tuổi Lê Đình Công - một thành viên của câu lạc bộ thơ Haiku ở Hà Nội - cho biết dù ông không từng gặp trực tiếp và học ở Nhật Chiêu ngày nào, qua cuốn sách, tình yêu thơ haiku nảy mầm trong ông khiến ông xem Nhật Chiêu như người thầy của mình.
Còn chị Ngân Hoa, một học trò của nhà văn Nhật Chiêu, chia sẻ về lần tái bản sách: "Đây là cuốn sách đã làm tôi và bao thế hệ sinh viên đắm say trong suốt thời đại học. Cầm cuốn sách tái bản trên tay, tôi như gặp lại bạn cũ trong một hình hài nhẹ nhàng hơn, đẹp hơn".
Zenbook - một thương hiệu sách mới trên thị trường sách Việt Nam - đã chọn tái bản cuốn sách của nhà văn Nhật Chiêu làm ấn phẩm đầu tiên ra mắt bạn đọc. Đại diện đơn vị này cho biết sách được in lại theo nhu cầu của độc giả. So với phiên bản cũ, sách mới in với hình thức đẹp hơn trên chất liệu giấy cao cấp. Từng trang giấy in hoa văn nâng các dòng chữ lên một cách tao nhã. Ngoài ra, nhà văn cũng dành nhiều thời gian đọc lại ấn bản cũ để có thêm những bổ sung, điều chỉnh trong cách dịch thuật nhằm giúp các bản dịch hoàn thiện, trau chuốt hơn.
"Ba nghìn thế giới thơm" gồm hai phần, phần một mang tên Con đường thơ ca, phần hai là Ba nghìn thế giới thơm. Sách chứa đựng vốn kiến thức uyên bác, sâu rộng về nền thi ca Nhật Bản nói chung, và thơ haiku nói riêng. Bằng việc phân tích tác phẩm của các thi sĩ bậc thầy Nhật Bản qua từng thời kỳ, Nhật Chiêu dẫn dắt độc giả theo ông chiêm nghiệm nền văn hóa của đất nước luôn tin "thơ ca có một năng lực linh thiêng".
Nhật Bản là xứ sở của cái đẹp, của thi ca và đạo. Thể thơ haiku (bài cú) chỉ vỏn vẹn có 17 âm tiết và là thể thơ ngắn nhất thế giới. Nhưng đó là một sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời, thể hiện được cốt cách của nền văn hóa lớn. Mỗi bài thơ nhỏ nhoi chứa đựng ba nghìn thế giới như câu thơ "Hoa mơ một chút nhụy/Ba nghìn thế giới thơm" (trích Thiền lâm cú tập).
Thoại Hà