Đây là "3 nghịch lý" trong chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp mà ngành y tế đang đối mặt, theo bác sĩ Phạm Quang Huy, Bệnh viện Tim Hà Nội, tại Hội nghị khoa học tim mạch 2024, ngày 27/12.
Tăng huyết áp là bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến 25% dân số. Đây là tình trạng huyết áp tâm thu lúc nghỉ ≥ 130 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 80 mmHg. Bệnh là nguyên nhân chính gây tử vong và tàn phế tại Việt Nam nhưng chưa được kiểm soát hiệu quả. Hiện, 52% bệnh nhân không biết mình mắc bệnh, 19% biết nhưng không điều trị, chỉ 11% được điều trị và kiểm soát đạt mục tiêu.
Nguyên nhân khó kiểm soát huyết áp bao gồm: bệnh nhân thiếu kiến thức, không tuân thủ điều trị, dùng thuốc không đủ liều, không thay đổi lối sống. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, nếu không kiểm soát tốt có thể gây biến chứng nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa, xơ vữa mạch máu, đột quỵ...
Huyết áp càng cao, nguy cơ tử vong càng lớn. Do đó, người bệnh cần điều trị sớm, đều đặn, kết hợp dùng thuốc và thay đổi lối sống để giảm nguy cơ biến cố tim mạch.
Trước tình trạng tăng huyết áp và rối loạn chuyển hóa gia tăng, bác sĩ Huy nhấn mạnh vai trò quan trọng của tuyến y tế cơ sở trong phát hiện, điều trị và quản lý bệnh nhân. Nhân viên y tế tuyến dưới cần được nâng cao năng lực để chẩn đoán, điều trị sớm và dự phòng biến chứng. Đồng thời, cần đẩy mạnh các dịch vụ y tế trực tuyến, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết năm qua, nơi này đã tổ chức hàng chục buổi khám chữa bệnh từ xa với sự tham gia của 132 đơn vị. Việc chuyển giao kỹ thuật và đào tạo nhân lực giúp nâng cao chuyên môn cho y tế địa phương, tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ chất lượng cao ngay tại cơ sở.
Các chuyên gia khuyến nghị mọi người kiểm tra huyết áp tại nhà thường xuyên nếu có biểu hiện bất thường, dù ở độ tuổi nào. Nếu huyết áp trung bình nhiều lần trên mức 130/80, bạn nên chủ động thay đổi các thói quen hàng ngày. Tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng và hạn chế rượu bia là cách để giảm khả năng mắc cao huyết áp.
Khi huyết áp lớn hơn 140/90, bạn cần được điều trị y tế. Lúc này, thay đổi lối sống và hành vi chưa đủ để xử lý vấn đề sức khỏe.
Lê Nga