Miền Nam một buổi sáng yên ả, như mọi ngày, tôi bắt đầu công việc. Đã ba năm kể từ khi ông nội về với Phật, trong tôi luôn có một tâm sự chưa thể giải tỏa cùng ai, đó là nỗi nhớ, sự ân hận và niềm tiếc nuối về ông.
Tuổi thơ của tôi, từ những ngày thơ dại cho đến khi lớn lên và bước ra đời luôn gắn liền với hình bóng của ông bà nội. Tôi được sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo phía Bắc Trung Bộ. Ngày ấy mặc dù nhiều bạn bè cùng trang lứa còn phải chật vật với cái ăn, cái mặc, một số bạn phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình, ông bà luôn dành cho tôi những gì tốt nhất. Từ những bộ quần áo mới đến tập sách, ông bà chưa bao giờ để tôi thiếu thốn.
Kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ nhất có lẽ là những đêm trăng sáng, khi tôi theo ông bà ra sông Yên làm nghề cá. Dòng nước êm ả, dưới ánh trăng hiền hòa, ông bà ru tôi bằng những câu chuyện cổ tích và những kỷ niệm xưa cũ. Ông nhẹ nhàng, kiên nhẫn giải đáp những thắc mắc ngây thơ của tôi về thế giới xung quanh. Cho đến bây giờ, cả xóm vẫn nhắc về câu chuyện suốt ba năm trời, ngày nào ông bà cũng đưa tôi đi học, rồi ngồi ở cửa lớp từ sáng đến trưa đợi tôi học xong để đưa về. Hồi đó, tôi rất nhát, nếu không có ông bà ngồi canh ngoài cửa lớp, tôi sẽ khóc đòi về.
Ông bà chiều chuộng tôi đến mức, từ lớp một đến lớp ba, ngày nào cũng chia nhau người đưa, người đón và ngồi chờ tôi học. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ông đạp chiếc xe đạp cũ, chở tôi từ nhà đến trường, rồi ngồi đợi suốt buổi học. Mãi đến khi tôi lên lớp ba mới bắt đầu tự đi học một mình. Khi bước vào tuổi thiếu niên, sự nhút nhát ngày nào dần nhường chỗ cho sự ham chơi và nghịch ngợm. Ông khi ấy đã ngoài 60, đêm nào cũng phải chạy chiếc xe cub đi kiếm tôi từ làng này sang xã khác trong cái lạnh cắt da cắt thịt của trời mưa phun gió bấc. Tôi vô tâm, ham chơi nhưng ông chưa một lần trách mắng. Ông luôn lặng lẽ dõi theo và khắc phục những hậu quả tôi gây ra.
Khi anh em tôi lớn, vào miền Nam lập nghiệp, tôi còn quá trẻ để hiểu cuộc sống không hề dễ dàng. Tôi nghĩ mình sẽ nhanh chóng kiếm được nhiều tiền và trở về thường xuyên để đền đáp ông bà, thế nhưng cuộc đời không như tôi tưởng. Suốt gần 10 năm, tôi vẫn loay hoay với hai bàn tay trắng, không sự nghiệp, không danh vọng. Mỗi lần gọi điện về, nghe giọng ông bà, lòng tôi thắt lại, thế nhưng những cuộc gọi đó thưa dần. Mười năm trời, số lần tôi về thăm ông bà chưa đếm hết trên đầu ngón tay.
Ngày ông nội ra đi, trên suốt quãng đường về quê lo đám tang, nước mắt tôi tuôn rơi. Từng ký ức về ông như cuốn phim quay chậm, về một đứa cháu vô tâm, ham chơi. Nỗi tiếc nuối khôn nguôi rằng tôi chưa một lần có cơ hội đền đáp ông, chưa một lần nói với ông rằng tôi xin lỗi. Cả đời ông đã cống hiến, hy sinh cho tôi, đến phút cuối tôi vẫn không thể báo đáp chút nào. Giá như tôi có thể quay ngược thời gian, chỉ một lần thôi, để nói với ông rằng cháu rất xin lỗi và biết ơn ông vô vàn.
Ba năm qua, năm nào tôi cũng về thăm bà vào dịp Tết, mỗi lần về tôi lại lo lắng, sợ mình không còn nhiều lần được gặp bà nữa. Mỗi năm trở lại, tôi đều nghe tin một vài cụ già trong làng bằng tuổi ông bà đã về với Phật, lòng tôi thêm nặng trĩu. Tôi sợ một ngày nào đó, tin tức về bà cũng đến. Tôi sợ không còn cơ hội nào để được nhìn thấy nụ cười hiền từ của bà, được nghe bà gọi tôi là cháu đích tôn, một niềm tự hào bà luôn dành cho tôi. Bà đã và đang già đi, thời gian lại không ngừng trôi.
Cuộc sống vẫn đầy gánh nặng cơm áo gạo tiền, anh em tôi cũng không thể về thăm bà thường xuyên như mong muốn. Trong những đêm dài, giữa miền Nam xa xôi, tôi chỉ có thể nguyện cầu cho bà được khỏe mạnh, để tôi và các em còn thêm nhiều mùa xuân được ở bên bà, được lắng nghe những câu chuyện của bà về thuở ấu thơ. Giờ đây, tôi đã thay đổi, không còn ham chơi, không còn vô tâm như trước. Tôi quan tâm đến bà, đến các em của mình, lo vun vén cho sự nghiệp và cuộc sống. Chỉ mong rằng, ông nội ở trên cao sẽ không còn phải lo lắng gì về tôi nữa. Dù cuộc đời có cuốn trôi chúng tôi đi đến đâu, tôi vẫn luôn nguyện cầu ông sẽ mãi mãi dõi theo và bảo vệ chúng tôi từ xa.
Mong rằng bà sẽ luôn khỏe mạnh, để chúng tôi có thể được báo đáp, dù chỉ một phần nhỏ những gì ông bà đã hy sinh. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn nguyện được là cháu của ông bà, để lại được trải qua những năm tháng tuổi thơ êm đềm, được nghe những câu chuyện thân thương dưới vòng tay yêu thương của ông bà.
Hoàng Sơn