Là nhân viên lâu năm của Intel, Gelsinger được đánh giá phù hợp cho vị trí lãnh đạo vào tháng 2/2021, giữa lúc công ty đi xuống. Gia nhập Intel khi mới 18 tuổi vào năm 1979, ông hiểu rõ nội tình của hãng chip Mỹ. Dù vậy, bốn nguồn tin nội bộ nói với Reuters rằng ông đang khiến công ty "lao dốc" nhanh hơn.
Nói xấu TSMC
Nguồn tin cho biết sai lầm đầu tiên là thay vì vun đắp mối quan hệ, Gelsinger đã có ngôn từ không hay ám chỉ TSMC. "Bạn không muốn cho tất cả trứng của mình vào một giỏ, ở đây là fab (nhà máy sản xuất chip) từ Đài Loan", ông nói trong một cuộc họp vào tháng 5/2021.
Trước truyền thông, TSMC nhận xét Gelsinger "hơi thô lỗ". Còn phía sau, ba nguồn tin nói công ty Đài Loan không còn duy trì mức chiết khấu dành cho Intel, trong đó giảm giá 40% cho tấm wafer 3 nm trị giá 23.000 USD. Có nghĩa, hãng chip Mỹ phải trả chi phí đầy đủ, khiến biên độ lợi nhuận giảm mạnh năm 2022.
Kỳ vọng và thất vọng
Gelsinger từng có thời gian đảm nhận vị trí CTO trước khi rời công ty năm 2009 do tái cấu trúc. Đến 2021, ông quay lại khi Andy Grove, cựu CEO nổi tiếng khắt khe của Intel, gửi lời mời. Sự trở lại của ông được giới đầu tư đánh giá cao, cổ phiếu công ty tăng gần 7% vào ngày bổ nhiệm CEO.
Khi mới nhậm chức, Gelsinger đặt mục tiêu rất cao. Theo ông, công ty cần thực hiện với tốc độ "chóng mặt". Một cựu nhân viên nói, trước mỗi lần phát biểu tại sự kiện, vị CEO tràn đầy năng lượng này lại chống đẩy và bật nhảy.
Việc đầu tiên Gelsinger làm là mở xưởng đúc toàn cầu để cạnh tranh với TSMC. Ông cho xây nhà máy ở Arizona với cam kết đầu tư 100 tỷ USD, đồng thời thúc đẩy quốc hội trợ cấp cho hoạt động sản xuất chip Mỹ.
Khi Covid-19 bùng nổ, nhu cầu chip tăng mạnh. Nhưng sau đó, tình trạng dư thừa, sự cạnh tranh của AMD trong khi các công ty như Amazon, Google tự sản xuất chip riêng khiến doanh thu công ty giảm 25% vào quý II/2022.
Gelsinger kêu gọi nhân viên giữ niềm tin, nêu ra "năm lý do để tin tưởng" trong video nội bộ. Ở video đầu tiên, ông thúc giục nhân viên "tin tưởng sâu sắc trong trái tim và tâm hồn rằng những ngày tươi đẹp nhất của Intel đang ở phía trước".
Tuy nhiên, năng lực sản xuất hạn chế khiến Intel đánh mất hợp đồng, bị hủy hoặc không thể cung cấp sản phẩm đúng hẹn. Gelsinger đặt cược vào công nghệ nút 18A (tương đương 1,8 nm) nhưng hiện vẫn chậm trễ do vấn đề kỹ thuật, khiến một số khách hàng chần chừ hoặc từ chối sử dụng quy trình này khi được chào mời.
Theo một nguồn tin, Intel đã đạt thỏa thuận phát triển chip cho xe tự lái Waymo của Alphabet và trực tiếp thảo luận vấn đề với CEO Sundar Pichai. Nhưng sau năm 2022, thỏa thuận bất ngờ bị hủy, Intel phải trả một khoản phí cho Alphabet khi công ty mẹ của Google đe dọa sẽ có hành động pháp lý.
Thiếu rõ ràng về chip AI
Tháng 11/2022, ChatGPT ra mắt, khiến AI tạo sinh bùng nổ toàn cầu và chip đồ họa (GPU) của Nvidia dùng để huấn luyện trí tuệ nhân tạo trở nên khan hiếm. Lúc này, Gelsinger đặt kỳ vọng vào chip Gaudi, được Intel gọi là bộ tăng tốc AI với tính năng chính là cải thiện hiệu suất của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Gaudi do Intel thiết kế và TSMC sản xuất. Công ty ước tính thu được nhiều nhất 500 triệu USD từ chip này - con số Gelsinger đánh giá "không đủ cao". Thay vào đó, ông đưa ra mức một tỷ USD trong báo cáo kết quả tài chính tháng 7/2023 và gọi đây là "nhu cầu tăng vọt đối với sản phẩm AI", nhấn mạnh cơ hội sẽ tiếp tục đến vào năm 2024 với "sự dẫn đầu của Gaudi". Tuy nhiên, khi được yêu cầu đưa ra thông tin chi tiết, Intel được cho là đã điều chỉnh cách tính, gộp các chip không liên quan vào danh mục sản phẩm AI.
Gelsinger cũng thường xuyên chào hàng chip AI. Theo ba nguồn tin, ông nói với khách hàng lớn như Microsoft và Amazon rằng Intel có thể cung cấp giải pháp thay thế GPU của Nvidia. Nhưng khi khách hàng liên hệ trực tiếp với công ty, quản lý của Intel nói họ "chưa có nhiều thông tin để trình bày".
Tính đến 2019, Intel đã cùng lúc đổ tiền vào ba dự án chip AI: một chip tự phát triển và hai chip khác phục vụ tính toán AI từ các công ty đã thâu tóm. Không có sản phẩm nào tạo được đột phá khi so sánh với chip Nvidia. "Đó là một hành trình, mọi thứ nhìn bên ngoài trông có vẻ đơn giản nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều", Sandra Rivera, cựu lãnh đạo bộ phận trung tâm dữ liệu Intel, cho biết.
Giữa tháng 9, Gelsinger thừa nhận Intel "còn rất nhiều việc phải làm", nhưng vẫn tiếp tục thể hiện sự tự tin vào kế hoạch xoay chuyển tình thế của mình. "Chúng tôi sẽ làm được. Ba năm rồi, đúng vậy, mọi thứ đang diễn ra theo kế hoạch", ông nói.
Năm 2023, doanh thu của Intel còn 54 tỷ USD, giảm gần 1/3 so với 2021 - năm Gelsinger tiếp quản. Giới quan sát nhận định công ty sẽ lỗ 3,68 tỷ USD trong năm nay.
Sau bài viết của Reuters, đại diện Intel nói: "Pat đang lãnh đạo một trong những bước chuyển mình lớn nhất, táo bạo nhất và đầy tham vọng trong lịch sử doanh nghiệp Mỹ. Sau 3,5 năm hành trình, dưới sự lãnh đạo của ông ấy, chúng tôi đã có được những tiến bộ to lớn, sớm đạt mục tiêu đề ra".
Đại diện Intel cũng cho biết TSMC là đối tác quan trọng mà họ có "mối quan hệ kinh doanh lành mạnh hiện nay", nhưng từ chối bình luận về tin đồn bị thâu tóm và các vấn đề liên quan khác. Công ty nhấn mạnh việc "sẽ trở lại vị trí dẫn đầu về quy trình sản xuất bán dẫn vào năm 2025".
Bảo Lâm (theo Reuters)
- Cựu CEO Intel từng muốn mua Nvidia với giá 20 tỷ USD
- 'Ánh sáng cuối đường hầm' cho Intel
- Intel - từ hãng chip dẫn đầu đến mục tiêu bị thâu tóm
- Kế hoạch 'trở lại đường đua' của Intel
- Intel 'đánh mất hợp đồng chip 30 tỷ USD vào tay AMD'