Ngày 11/6, Trung Quốc duy trì tại khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép 39 tàu hải cảnh, 14 tàu vận tải, 20 tàu kéo, 35 tàu cá và 6 tàu quân sự.
Theo Cục Kiểm ngư, các tàu quân sự được Trung Quốc chia thành ba mũi để chặn tàu Việt Nam tiếp cận giàn khoan. Trong số này có hai tàu quét mìn số hiệu 839, 842 ở phía nam giàn khoan 20-22 hải lý; hai tàu hộ vệ tên lửa (một tàu số hiệu 534) ở đông - đông bắc giàn khoan 18-20 hải lý; còn hai tàu tên lửa tấn công nhanh (một tàu mang số hiệu 756) được thả trôi ở phía nam đảo Tri Tôn 10-13 hải lý.
Trung Quốc vẫn duy trì nhiều tàu, tổ chức thành từng nhóm để ngăn cản, đâm va và phun vòi rồng vào các tàu của Việt Nam. Tàu đánh cá với sự hỗ trợ của hai tàu hải cảnh luôn vây ép, chặn nhóm tàu cá của ngư dân Việt Nam khi khai thác ở ngư trường truyền thống.
Tuy nhiên, các tàu chấp pháp Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ ở hiện trường, đồng thời tổ chức hoạt động đấu tranh với cường độ cao, thông tin từ Cục Kiểm ngư cho hay.
Trên báo Tuổi trẻ, chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhận định, với dã tâm chiếm biển và sự hung hăng sẵn sàng tấn công, họ sẽ lu loa rằng tàu Việt Nam tấn công vào giàn khoan của họ. Ông Lâm cũng cho rằng, Trung Quốc có thể còn những động thái khác, vì thế "Việt Nam nên gấp rút chuẩn bị cho tình huống xấu nhất".
Việc tàu cá của ngư dân Hải Phòng bị tàu Trung Quốc đâm, ông Lâm đánh giá: "Đây là hành động vô nhân đạo, sự xâm phạm trắng trợn, không thể biện minh, kể cả khi tàu cá Việt Nam có vượt ra khỏi đường phân tuyến đi nữa thì đã có các biện pháp pháp lý".
Cũng trên báo này, ông Lâm nói, căng thẳng không còn ở Hoàng Sa mà đã lan ra khắp các vùng biển Việt Nam khi tàu cá của ngư dân bị đâm chìm bởi tàu Trung Quốc. "Chúng ta phải hết sức nỗ lực, hết sức kiên nhẫn, không để 'cái sảy nảy cái ung' rơi vào cái bẫy gây xung đột vũ trang của Trung Quốc".
Về thông tin Trung Quốc đang dịch chuyển giàn khoan, theo ông Lâm là việc bình thường trong chu trình hoạt động và dự đoán giàn khoan có thể di chuyển thêm vài lần nữa.
Hương Thu