Thầy Tùng cho biết, học sinh sinh năm 2004 còn khoảng 11 tháng ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2022. Do đó, các em nên có lộ trình học khoa học để đạt thành tích tốt.
Giai đoạn tổng ôn toàn diện (từ tháng 8 đến tháng 12)
Theo thầy Tùng, đề thi môn Toán tốt nghiệp THPT dành cho học sinh sinh năm 2004 nhìn chung vẫn có cấu trúc tương tự các năm trước, khoảng 90% kiến thức lớp 12, 10% kiến thức lớp 11, có thể liên quan đến cả lớp 10.
Học sinh sinh năm 2004 có thể chia kiến thức môn Toán thành 7 chủ đề, trong đó phần kiến thức lớp 12 chiếm 6 chủ đề (4 phần giải tích, hai phần hình học) và một chủ đề cho kiến thức lớp 11. Theo đó, học sinh có thể xây dựng lộ trình ôn tập phù hợp, chia các mô đun bài học theo từng chủ đề đảm bảo phủ xong toàn bộ phần kiến thức nền lớp 12 và một số nội dung quan trọng của lớp 11.
Quá trình ôn tập nên kết hợp song song các phần kiến thức, ví dụ như luyện giải tích song song với hình học, chuyên đề hàm số ôn tập cùng chuyên đề hình học không gian. Trong đó, các em nên lưu ý ôn tập phần hàm số là phần có số lượng câu hỏi nhiều nhất trong đề thi.
Ngoài ra, học sinh cũng cần ôn tập một số phần kiến thức lớp 11 ngay từ đầu để làm nền tảng học chương trình lớp 12: cách tính đạo hàm lớp 11 là cơ sở để giải quyết kiến thức chủ đề liên quan đến ứng dụng đạo hàm trong phần giải tích lớp trên; phần hình học không gian lớp 12 là sự tiếp nối lớp 11; bài toán về khoảng cách và góc sẽ mở rộng trong phần hình học không gian lớp 12...
Cuối cùng, thầy Tùng nhấn mạnh, chương trình lớp 11 có một số nội dung riêng biệt với kiến thức lớp 12 như: bài toán về cấp số cộng, cấp số nhân; các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Học sinh có thể dành các bài toán về xác suất, đếm ôn tập ở phần cuối.
Thầy Tùng lưu ý học sinh sinh năm 2004, giai đoạn này là thời điểm "vàng" để bắt đầu ôn tập, xuất phát sớm có nhiều lợi thế hơn, tránh để tình trạng khi vào năm học mới mới bắt đầu ôn tập, thời gian ôn tập sẽ chi phối nhiều bởi lịch học tập ở trên trường.
Giai đoạn luyện đề, thành thạo mọi dạng bài (Từ cuối tháng 12/2021 – 6/2022)
Quá trình luyện đề sẽ giúp học sinh rèn luyện kỹ năng. Theo thầy Tùng, khi luyện đề sẽ phát sinh rất nhiều tình huống. Về mặt kỹ năng, khi học theo từng chủ đề, các bạn có thể làm bài nhanh nhưng khi luyện đề tổng hợp, phản xạ chậm lại. Vì vậy, việc ôn luyện thành thục sẽ tạo ra phản xạ nhanh hơn. Với những đề đầu tiên thời gian giải có thể gấp đôi nhưng sau khi đã quen, các em có thể làm nhanh hơn.
Về mặt kiến thức, học sinh có thể bổ sung các kiến thức còn yếu và học song song với các phần kiến thức lớp 11 riêng lẻ trong giai đoạn này. Ngoài ra, học sinh sinh năm 2004 chỉ nên thử sức với luyện đề khi đã trang bị cho mình kiến thức nền tốt, không nên thực hiện khi chưa học xong.
Giai đoạn 3: Ôn luyện chọn lọc, tối đa hóa điểm số (tháng 3, 4 – 6/2022)
Ở giai đoạn cuối này, học sinh cần định hướng những dạng toán theo xu hướng đề thi những năm gần đây, từ đó, điều chỉnh quá trình ôn luyện chọn lọc để tối đa hóa điểm số cho bài thi, giai đoạn này thường rơi vào khoảng 2 - 3 tháng cuối trước kỳ thi. Các bạn có thể rèn luyện thêm một số phương pháp giải nhanh, rút gọn; mẹo để giải bài, làm bài trắc nghiệm; học thêm các thủ thuật sử dụng máy tính Casio... nhằm tối đa hóa điểm số theo năng lực cá nhân.
Học sinh cũng nên tham khảo và áp dụng thử một số chiến thuật làm bài. Thầy Tùng chia sẻ, với mục tiêu điểm số cao môn Toán, các bạn cần nắm chắc 40 câu hỏi đầu tiên trong đề thi, 10 câu sau có khoảng 5 - 6 phần quen thuộc. Đề toán các năm gần đây có 2 - 3 câu lạ về mặt hình thức đối với một số em. Do đó, học sinh cần biết cách chuyển nó về các dạng toán quen thuộc.
Cùng với ôn tập theo từng giai đoạn, học sinh cũng phải cân bằng thời gian để học tốt cả ba môn trong khối thi xét tuyển.
Thầy Tùng chỉ ra lỗi sai học sinh thường mắc khi ôn tập như sau:
Các em thường có tâm lý tập trung vào môn thế mạnh. Tuy nhiên, học sinh nên đầu tư nhiều thời gian hơn cho các môn chưa tốt. Vì lượng điểm tối đa ở mỗi môn là 10 điểm, nếu học khá tốt môn Toán ở mức 8 - 9 điểm, việc củng cố thêm để đạt điểm tối đa sẽ khó hơn là cố gắng học hai môn còn lại từ mức 5 - 6 điểm lên 8 - 9 điểm. "Các em nên học môn nào chắc môn đó, ôn tập đan xen theo kế hoạch học tập cụ thể", thầy nói thêm.
Với tình trạng "học trước quên sau", thầy Tùng gợi ý học sinh nên tập trung nghe giảng, xem lại bài học, thực hành làm bài tập, đảm bảo việc ôn tập theo đúng lộ trình đã vạch ra. Đồng thời, các em cần chủ động làm bài tập, tìm cách làm trước khi xem đáp án. Ngoài nghe giảng, học sinh có thể tự hệ thống kiến thức bằng một cuốn sổ ghi chép các công thức, bài toán hoặc lập sơ đồ tư duy giúp ghi nhớ những phần kiến thức đã học.
Học sinh có thể tham khảo lộ trình luyện thi đại học của Giải pháp PEN do Hệ thống Giáo dục HOCMAI xây dựng tại đây.
Thiên Minh