Theo khảo sát phụ huynh Mỹ mà Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện đầu năm nay, trầm cảm và lo âu nằm trong số những lo lắng lớn nhất của các bậc cha mẹ. Trong khi đó, giới trẻ được cho là đang trải qua khủng hoảng sức khỏe tinh thần nghiêm trọng sau đại dịch.
Đã có nhiều nghiên cứu khẳng định, những đứa trẻ hạnh phúc có xu hướng thành công hơn, làm việc hiệu quả hơn và mối quan hệ xã hội cũng tốt hơn khi trưởng thành.
Nếu muốn con cái của mình hạnh phúc hơn, phụ huynh có thể tham khảo lời khuyên của Laurie Santos, giáo sư tâm lý học, người thiết kế khóa học làm cha mẹ nổi tiếng nhất của Đại học Yale và Arthur Brooks, giáo sư Đại học Harvard, người điều hành Phòng thí nghiệm lãnh đạo và hạnh phúc của trường.
Dạy trẻ rằng cảm giác tiêu cực không xấu và không tồn tại mãi
Santos nói, cảm giác bối rối, buồn bà, lo lắng hay tức giận hoàn toàn bình thường. Nếu người lớn khó chấp nhận những cảm xúc đó một, trẻ con lại cảm thấy khó gấp bội.
Phụ huynh thường vội vã tìm cách kéo con khỏi tâm trạng đó bằng những cách như kể chuyện cười, "hối lộ" bánh kẹo, đồ chơi mới. Dù vậy, giải pháp tạm thời không thể giải quyết được căn nguyên, thậm chí cha mẹ không giúp trẻ nhận ra bài học: cảm xúc tiêu cực không xấu và cuối cùng sẽ qua.
Các nhà tâm lý học trẻ em cho biết, trẻ cần học được cách quản lý cảm xúc. Nó đồng nghĩa cha mẹ cần giúp chúng hiểu không cần xấu hổ khi thấy giận dữ, buồn bã hay lo lắng.
Theo Santos, hãy đưa ra một phép so sánh dễ hiểu như ngày mưa - ngày nắng để trẻ biết tâm trạng con người cũng như thời tiết, có lúc rực rỡ, có lúc u ám. Cảm xúc thay đổi theo thời gian là chuyện bình thường, không thể lúc nào cũng duy trì một trạng thái.
Đừng dạy trẻ sợ hãi thế giới
Thế giới ngập tràn những điều tiêu cực nhưng nếu chuẩn bị trước cho trẻ mọi tình huống xấu nhất, bạn có thể làm trẻ sợ. Nó không giúp chúng thấy an toàn hơn mà ngược lại khiến chúng lo lắng, kém thành công hơn, theo Brooks.
Trẻ nhìn thế giới như một nơi nguy hiểm, rủi ro thường không khỏe mạnh, buồn bã, có xu hướng trầm cảm và không thỏa mãn với cuộc sống. Khi lớn lên, chúng cũng không yêu thích công việc của mình và làm việc kém hơn những người tích cực.
Giải pháp của Brooks là hãy giúp trẻ chuẩn bị trước những tình huống cụ thể mà chúng có thể gặp phải, đánh giá đúng mức độ nguy hiểm. Bạn có thể dạy trẻ không được đi nhờ xe người lạ nhưng cũng không nên làm chúng hoảng sợ mỗi khi gặp ai đó không quen biết.
Vợ chồng Brooks đã giúp con gái của họ chống lại sự bi quan bằng cách chia sẻ thông tin tích cực, thực tế về thế giới. "Chúng tôi không che đậy các mối đe dọa mà chỉ đơn giản cố gắng nói về những hành vi tử tế từng chứng kiến và thế giới này an toàn hơn, thịnh vượng hơn trước nhiều", ông nói.
Trở thành tấm gương tích cực vì hạnh phúc có tính lây lan
Brooks và Santos đều có chung quan điểm rằng hạnh phúc có tính lây lan. Khi bố mẹ hạnh phúc, con cái cũng hạnh phúc.
Trên tạp chí Harvard Business Review, Brooks cho biết vấn đề số một mà ông thấy trong gia đình là sự lây lan của những điều tiêu cực. Điều này dạy cho mỗi chúng ta phải làm ngược lại, cố gắng tiêm nhiễm "virus hạnh phúc" vào gia đình và làm điều đó một cách có chủ đích.
Theo các nghiên cứu, tính lây lan áp dụng với tất cả các cảm xúc. Nó là lý do phụ huynh nên cư xử lành mạnh nếu muốn con cái cũng như vậy. "Dù tốt hay xấu, cha mẹ tác động lớn đến cảm xúc và mức độ lo lắng của con", chuyên gia Santos chia sẻ.
Nếu cha mẹ cảm thấy lo lắng về điểm số hay quan hệ xã hội của con, trẻ sẽ mang theo sự lo lắng đó vào cuộc sống của chúng. Quản lý lo lắng và thực hành một chút lòng trắc ẩn với bản thân - kể cả nghỉ làm để giảm bớt áp lực trong cuộc sống riêng - thực sự hữu ích.
Huy Phương (Theo CNBC)