Trời đã sang đông, những cây thông mùa Giáng sinh, những hộp quả đủ màu sắc, ông già Noel và những chú tuần lộc đỏ rực khắp những cửa hàng, khách sạn, nhà thờ. Người người hối hả, tất bật cho những ngày cuối cùng của năm. Tôi cũng đi giữa dòng người ấy, những cơn mưa rả rích không ngừng, gió heo may đùa giỡn làn tóc rối. Bên đường, bếp lửa của cô bán bánh mì không thôi ngừng tỏa khói.
Nhìn ánh lửa bập bùng, tôi trào lên bao nỗi nhớ, tôi nhớ nhà, nhớ dáng ba tất tả cày đất trong gió rét căm căm. Tôi nhớ dáng mẹ hao gầy trong những cơn mưa đổ. Quê tôi không điện đường, không xi măng, gạch đá, không có những con đường rải nhựa phẳng lì như phố, nơi ấy cũng chẳng có những cửa hàng rực rỡ, xa hoa, đèn điện sáng trưng, không có những công viên đầy người, không ồn ào xe cộ.
Nơi ấy, có ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa vườn cây, có tiếng gà quang quác, tiếng chó sủa râm ran, tiếng đàn dế dạo khúc đàn đêm. Và những đêm trời quang, mây tạnh là bầu trời đêm rực rỡ đầy sao, mảnh trăng đầu tháng treo lưng chừng đỉnh núi, sương giăng trong trẻo vương vấn trên áo người thương.

Nơi ấy, có những ngày bé dại chăn trâu giữa đồng, rét cắt da cắt thịt, tái trong manh áo mỏng. Cả đám rủ nhau đi nhổ sắn, đào khoai, bẻ bắp rồi đem về thổi lửa nướng lên, mặt mũi đứa nào đứa nấy tèm nhem vì khói. Ngày ấy khi những đêm đông đến, chúng tôi cho chân vào những cái bao vì không có chăn ấm như bây giờ. Có những hôm lạnh quá, không ngủ được, ông tôi dậy từ 3-4 giờ sáng nhen bếp lửa ngồi sưởi, vùi trong đó vài củ sắn, những thanh củi tí tách, mùi sắn nướng cứ vẩn vơ đi vào giấc mơ...
Nơi ấy, bố mẹ tôi tảo tần với ruộng với vườn để kiếm tiền nuôi chị em tôi đi học. Có những ngày nắng cháy, bố mẹ tôi và bao người đổ mồ hôi trên những cánh đồng và bao lần chạy đua với cơn mưa giông bất chợt để phơi thóc, phơi rạ. Nơi ấy có những mùa bão về, vườn ổi bố tôi trồng đang độ cho quả, gió xiêu vẹo gốc, hết bão cũng là lúc ổi chết sạch. Rồi những gốc chuối chỉ chờ ngày thu hoạch gãy ngang, từng buồng chuối xanh dập nát. Rừng tràm dẻo dai là thế, cũng chẳng đủ sức chống lại thiên nhiên dữ tợn. Nơi ấy, chỉ cần vài trận mưa rào, đất đai trơ ra chỉ toàn là sỏi đá.
Cuộc sống nơi ấy khắc nghiệt là thế nên những đứa như tôi, đều cố gắng học hành, vừa không phụ lòng ba mẹ, vừa để tìm kiếm một cơ hội để có thể tìm kiếm một miền đất mới, hy vọng không quá khổ như quê tôi để lập nghiệp. Thế nhưng, đôi khi đi xa lâu quá, lại thèm da diết bầu trời đầy sao, thèm hít hà mùi lúa chín, thèm tắm đôi mắt bằng một màu xanh thẳm của những cánh rừng. Và đôi khi giữa một miền đất mới, giữa phố xá chỉ toàn người lạ tôi lại thèm một giọng nói, một gương mặt thân quen của nơi chôn rau cắt rốn.
Trong cuộc hành trình đi tìm tương lai, đi tìm chốn để dừng chân, tôi mong mỏi tìm kiếm được một công việc ổn định nơi xứ người. Những ngày cuối năm, bao giờ cũng đặc biệt, bao giờ cũng nhiều cảm xúc. Ngày tháng trôi nhanh, vốn chẳng chờ đợi ai bao giờ, có khi ta cứ mải miết đi tìm kiếm một đời những thứ không thuộc về mình, mà quên mất những giá trị hiện hữu bên cạnh. Quay lại, vẫn là gia đình dang tay rộng mở đón ta về. Nên thôi, ngày những ngày cuối năm, tạm gác lại bao nhiêu lo âu, bao nhiêu tính toan, xách ba lô, tranh thủ ra bến tàu, đặt chiếc vé về nơi ai cũng muốn về. Và hét thật to “Ba mẹ ơi, con về rồi đây!”
Cao Nguyễn Hồng Phượng
Cuộc thi “Thời khắc yêu thương” do Công ty TNHH Sapporo Việt Nam phối hợp với VnExpress thực hiện. Đây là nơi để bạn chia sẻ những kế hoạch, dự định ý nghĩa đến người mà bạn mong muốn gửi lời tri ân, yêu thương và cùng họ trải qua những thời khắc cuối cùng của năm. Chương trình kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 23/12 trên trang Đời sống, báo VnExpress. Độc giả gửi bài tham dự tại đây. |