Chị Hải, 43 tuổi, là thạc sĩ Luật, hiện công tác tại một cơ quan nhà nước ở Hà Nội. Từ những đúc kết nuôi dạy con trai Minh Đức, hiện là học sinh trung học, chị xuất bản hai cuốn sách Dạy con tuổi teen dễ ợt và Để lớp 9 không là đáng sợ.
Chị thường sử dụng vai trò của "người thứ ba" để dạy con. "Người thứ ba" gồm ông bà/đại gia đình của con; bạn bè tốt của cha mẹ; các chuyên gia giỏi hay một người bất kỳ trong xã hội, không nhất thiết phải là người nổi tiếng, chỉ cần là người mà bạn thấy lời nói, hành động của họ sẽ có tác động tích cực đến suy nghĩ, hành vi của con; một bài viết, một cuốn sách hay có tác dụng tốt với con.
'Người thứ ba' khiến việc dạy con trở nên nhẹ nhàng hơn
Nhiều khi tiếng nói của "người thứ ba" có trọng lượng hơn cha mẹ. Minh Đức là cậu bé cá tính, từ nhỏ nhiều khi mẹ nói, con nhất quyết không nghe. Thông thường, tôi không "chiến đến tận cùng" để bắt con nghe lời vì như thế rất áp đặt, gây căng thẳng mẹ con.
Tùy từng tính chất của sự việc mà tôi tâm sự, nhờ bà nội, anh trai, chị dâu hoặc mấy người bạn thân của tôi. Nhân dịp con đến chơi hoặc đi ăn uống, mọi người sẽ nói chuyện với con, khiến con hiểu ra vấn đề.
Dạo con còn bé, có thời điểm con lơ là học tiếng Anh. Tôi nói nhiều mà con không chuyển biến. Một hôm tôi cho con ra nhà bác chơi cả ngày và có "phím trước" vấn đề của con. Việc của các bác chỉ là sao trong cả ngày chỉ cần nói vài câu động viên con học, cho con hiểu tiếng Anh cần học nghiêm túc như thế nào. Kết quả là con về vui vẻ, học hành nghiêm túc hẳn.
Có lẽ những điều anh chị tôi nói cũng sẽ không khác nhiều so với nhưng điều tôi nói. Nhưng tâm lý "bụt chùa nhà không thiêng" hoặc có thể là sau khi nghe các bác nói, con hiểu hơn những điều mẹ nói. Từ hôm đó, con vui vẻ học tiếng Anh.
"Người thứ ba" không chỉ có tác dụng với con mà còn với cả cha mẹ. Nhiều khi, sau khi tâm sự, than thở với "người thứ ba" xong, tôi được phân tích ngược trở lại và nhận ra rằng hóa ra mình đã sai nên không còn khăng khăng muốn con theo ý của mẹ. Nhờ đó, cả mẹ và con nhẹ cả người, không đối đầu nhau nữa.
Tôi rất thích được cùng con xem các phóng sự hoặc talkshow có chất lượng, bộ phim hay, đọc cùng con các cuốn sách giá trị. Rồi sau đó tôi bàn luận với con để rút ra thông điệp từ các chương trình, tác phẩm đó.
Có lần hai mẹ con cùng xem phóng sự "Đường đến trường" trên truyền hình, nói về các em nhỏ ở những vùng khó khăn, không đủ ăn, không có tiền đóng học phí, phải làm lụng vất vả và vượt qua bao gian nan để được tiếp tục học. Xem xong, thấy con có vẻ xúc động, thương các bạn, tôi mới bảo: "Con thật là may mắn so với các bạn nên cố gắng học con nhé". Con nói: "Vâng ạ".
Tôi thầm cảm ơn "người thứ ba" vô hình này vì đã giúp tôi giáo dục con một cách tự nhiên, các thông điệp cần thiết đã nhẹ nhàng đi vào vào tâm hồn của con.
'Người thứ ba' khiến con hiểu và yêu quý mẹ hơn
Một số bố mẹ bị hạn chế trong việc thể hiện tình cảm, suy nghĩ và những việc mình đã làm cho con. Khi đó, nếu có người nói cho, con sẽ hiểu và yêu quý cha mẹ hơn.
Một chị bạn thân của tôi bị stress, thậm chí còn muốn tự tử vì bế tắc trong việc nuôi dạy con gái quá cá tính. Cô bé lại không hiểu điều gì đang diễn ra với mẹ vì mẹ không bao giờ tâm sự. Chị chỉ biết ôm nỗi đau một mình.
Tôi đã gặp cô bé đó. Sau một lúc nói chuyện, cháu rất ngạc nhiên rồi chuyển sang hối lỗi khi biết rằng vì mình mà mẹ đã mất ăn mất ngủ đến thế, nhận ra đã quá vô tâm và có hành vi không phải với mẹ. Từ đó, cô bé thay đổi khá nhiều.
"Người thứ ba" là cầu nối không thể thiếu giữa cha mẹ và con vì trong quá trình nuôi dạy khó tránh khỏi những hiểu lầm, xung đột. Hoặc nếu bạn may mắn, không xảy ra chuyện gì lớn với con thì tiếng nói của "người thứ ba" sẽ mang tính khách quan, giúp con yêu quý, trân trọng bố mẹ mình. Con hiểu rằng mình đã thật may mắn khi có cha mẹ tốt.
'Người thứ ba' tạo động lực cho con ham hiểu biết
Nếu bạn hay cho con tiếp xúc với người hiểu biết, có tri thức thì có thể giúp con ham học hỏi. Khi tôi còn nhỏ, mỗi khi bố có khách, tôi rất thích được ngồi sau hóng chuyện của mọi người đàm đạo về chính trị, xã hội, văn hóa. Tôi thấy được mở mang đầu óc và mong muốn sau này mình cũng được trở nên hiểu biết.
Về sau, với Minh Đức, tôi cũng áp dụng như vậy và thấy có kết quả. Mỗi khi được nghe các ông, các bác bàn về tình hình chính trị, xã hội, con đều quan tâm.
Mẹ không phải là 'giáo sư biết tuốt'
Khi con càng lớn, việc nghĩ rằng "cả bầu trời này chỉ có mẹ", "mẹ là giáo sư biết tuốt" với con không phải là suy nghĩ phù hợp. Con cần mở rộng các mối quan hệ, biết lắng nghe và học hỏi từ mọi người xung quanh. Và mẹ, thay vì việc dành nhiều gian dạy con, cần dành cho việc lắng nghe con nhiều hơn.
Từ khi con học trung học, không phải lúc nào tôi cũng nói cho con kiến thức cần thiết. Thay vào đó, tôi sẽ cho con gặp những người bạn/người thân am hiểu sâu về vấn đề đó. Điều này vừa giúp con tăng kết nối với mọi người, vừa giúp mẹ được nghỉ ngơi thư giãn. Nhiều khi, tôi chỉ cung cấp chương trình cần thiết, mua tặng con sách về lĩnh vực con đang băn khoăn. Con sẽ nghiên cứu và tự tìm ra được câu trả lời cho mình.
Mẹ không hoàn hảo
Tôi nhớ dạo con 3 tháng tuổi, Minh Đức đã được 7,2 kg, tôi đi nghe hội thảo về dinh dưỡng cho các bà mẹ do Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức. Mọi người xung quanh trong khi chờ đợi đã rất ngạc nhiên quay ra hỏi tôi: "Sao chị nuôi con bụ thế mà vẫn đến đây làm gì?". Tôi đáp: "Chị đến để biết xem mình đã nuôi con thực sự đã khoa học chưa và để biết các kiến thức chuẩn bị đón đầu cho giai đoạn tiếp theo của con".
Đến giờ, tôi vẫn thường xuyên đọc các nghiên cứu về giáo dục con, khi cần vẫn tham vấn các chuyên gia hay mọi người xung quanh về cách đồng hành với con. Tôi nghĩ kiến thức là vô hạn, mình không thể tránh được những sai lầm, nên cần học hỏi trong quá trình nuôi dạy con.
'Người thứ ba' giúp con tăng khả năng gắn kết gia đình và xã hội
Khi bạn có mối quan hệ tốt với gia đình nhà chồng/vợ, với anh chị em ruột hay với họ hàng, đó cũng là cách bạn dạy con sau này biết cư xử với mọi người trong gia đình. Khi bạn có những tình bạn đẹp, đó cũng là cách để con biết trân trọng và học cách nuôi dưỡng tình bạn.
Khi bạn quen những người có vốn hiểu biết sâu rộng, khi bạn biết đến những cuốn sách hay, đó cũng là lúc bạn dạy con tầm quan trọng của việc mở rộng các mối quan hệ, sự ham học, ham đọc...
Nuôi dạy con không phải chỉ là việc bạn truyền dạy con những điều tốt đẹp sẵn có của bản thân mà quan trọng hơn cần sống tử tế, luôn hoàn thiện mình về lối sống để có được nhiều "người thứ ba" xung quanh yêu quý, hỗ trợ bạn trong quá trình nuôi dạy con.
Khi đó, bạn vừa có thể nuôi dạy con một cách hiệu quả, lại vừa được vui vẻ, hạnh phúc vì có mối quan hệ chất lượng với mọi người. Bạn cũng cần nâng cao, mở rộng tri thức của mình, trở thành người hiểu biết để có thể biết đến những "người thứ ba" vô hình có thể giúp đỡ con.
Bình Minh ghi