Sáng sớm, căn nhà rộng gần 300 m2 giữa cánh đồng lúa được dựng tạm bằng tường gạch, che tôn của chị Nguyễn Thị Ngọc ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh đã văng vẳng tiếng chó sủa đòi ăn. Khệ nệ nhấc nồi cơm nóng hổi đặt xuống nền, người phụ nữ 46 tuổi bắt đầu chia thành từng tô nhỏ. Những chú chó liệt hai chân sau cố lết tới gần, trong khi vài con khác liệt bốn chân chỉ biết ngoái đầu nhìn chị rồi kêu ư ử.
Xong bữa, chị Ngọc bắt tay trị liệu cho Dừa Khô - chú chó liệt 4 chân bị chủ bỏ rơi ở Cái Bè, Tiền Giang. Chị đổ vài giọt rượu thuốc vào lòng bàn chân xoa bóp, thỉnh thoảng chị ấn mạnh để kích thích cơ, dây thần kinh cho chú chó nhỏ. Sau nửa tiếng "vật lý trị liệu", Dừa Khô được đưa vào chiếc xe lăn tự chế để tập đi. "Chữa khoảng một tuần thì bé có thể đi lại được nhưng vẫn cần dùng xe lăn", chị Ngọc nói.
Dừa Khô được chị Hằng, 51 tuổi ở Mỹ, thuê người cứu và đem đến nhờ chị Ngọc chăm sóc. "Cứu được bé rồi nhưng ba ngày liền bé được chuyền từ người này sang người kia, không ai nhận chăm, may sao nhờ Ngọc mà bé có thể đi lại được", chị Hằng nói.
Vốn là người thương chó mèo, nhưng "nghề" cưu mang những con vật bị tật nguyền lại đến với chị Ngọc một cách tình cờ. Sáu năm trước, trong lúc đang làm chị thấy bên kia đường có tiếng mèo kêu yếu ớt, đến kiểm tra thì phát hiện một chú mèo bị liệt nên đem về nhà nuôi, đặt tên là Plus.
Nhưng gia đình chị không thích mèo, cứ lúc chị đi làm, Plus lại bị mang ra bỏ ở góc đường. Suốt gần một tuần, cứ làm về chị lại phải đi tìm. Nghĩ không thể cứ như thế này mãi, chị Ngọc dọn đồ đạc sang quận 2 tìm thuê nhà trọ.
Thương chú mèo nhỏ không thể tự đi, chị tìm hiểu cách trị liệu. Tham khảo trên nhiều trang web nước ngoài thấy có chiếc xe lăn hỗ trợ mèo liệt từ những chiếc ống, bánh xe, chị quyết định thử. Người phụ nữ chưa từng biết đến chiếc cưa tay, kim chỉ hay, ốc vít, hôm đó đã tự cưa ống nước thành từng khúc, ráp lại thành khung xe và khâu chiếc đai gắn vào khung. Những vết xước từ lưỡi cưa hay hàng chục mũi kim khiến tay chị rướm máu. Đặt Plus lên xe đẩy nhẹ, chị thấy chú mèo cố nhích hai chân trước vẫn còn chút cảm giác ghì xuống nền như muốn bước đi. "Dù không khỏe lại hoàn toàn, nhưng Plus ăn được và mập mạp hơn, sống với mình một năm. Từ đó mình nghĩ, lũ chó mèo bị tàn tật nhưng miễn được chăm sóc và tập luyện thì chúng có thể khỏe lại. Đừng bỏ rơi chúng", chị Ngọc nói.
Từ đó, hễ thấy chó, mèo liệt bị bỏ rơi chị Ngọc lại tìm đến mang về nhà chăm sóc, làm xe lăn cho chúng. Sau một thời gian, "đứa con" nào khỏe mạnh, chị tìm chủ mới cho chúng, còn mình vẫn giữ nuôi những "đứa" liệt nặng. "Tôi cho các con rất kỹ nên chưa bao giờ bị lầm. Tôi hỏi địa chỉ nhà, nói ngày mốt đem con tới nhưng ngày mai đã tìm đến nhà họ quan sát", chị chia sẻ.
Thời gian đầu chị Ngọc tiếp nhận số chó mèo bị liệt, bỏ rơi rất nhiều. Cũng vì vậy mà chị không đủ thời gian chăm sóc, nhiều con bị chết. Biết mình không thể ôm đồm, từ đó đến nay chị chỉ cứu những trường hợp mà mình bắt gặp hoặc người quen gọi đến. Chị không cứu những chú chó, mèo được ai đó đăng lên Facebook nhờ hỗ trợ vì chị tin một khi đã được cộng đồng mạng quan tâm, bé đó chắc chắn sẽ được cứu.
Dù yêu thương những con vật kém may mắn nhưng cũng có nhiều lần chị thấy mình nản lòng, muốn dừng lại. Đó là những ngày đi làm về mệt, thấy đàn chó liệt đi vệ sinh mình mẩy lấm lem, bốc mùi hay những lần chứng kiến chú chó vừa cứu về nhưng không qua khỏi. "Nhưng nghĩ rằng người mình dơ mình biết đi tắm, còn chó mèo thì không. Mình đã nuôi thì phải làm giúp nó rồi ra đường thấy chó mèo bị bỏ lại mang về", Ngọc tâm sự.
Ngoài chuyện ăn uống, việc chữa bệnh cho chúng cũng tốn một khoản không nhỏ. Có con khỏe lại nhưng cũng có con nằm một chỗ suốt đời, vệ sinh mất kiểm soát. Có khi một ngày phải tắm và sấy cho chúng đến hai lần vì không chịu nổi cảnh thấy "con" mình dính bẩn.
Để có tiền lo cho đàn chó mèo này, chị Ngọc chuyển sang nghề giao hàng, chạy xe ôm công nghệ. Dù thức dậy từ 5h sáng nhưng đến gần trưa, người phụ nữ độc thân này mới dám bật app chờ "nổ cuốc".
Là một người bạn theo dõi việc làm của chị Ngọc từ những ngày đầu, chị Kim Anh, 30 tuổi, ở quận 4 cho biết: "Điều quý nhất là chị ấy chỉ nhận nuôi những chú chó, mèo liệt bị bỏ rơi. Ở Sài Gòn rất hiếm nơi nhận cưu mang chúng vì chăm rất cực. Chị ấy rất tận tâm, từ việc chăm sóc, lo ăn uống, vệ sinh cho đến việc tự chữa trị cho chúng, nhiều con đã hồi phục có thể đi lại được".
Trong số những "bé" được cưu mang, chị Ngọc nhớ nhất chú chó tên Rơi. Cách đây 3 năm, chị Ngọc tình cờ thấy lời kêu cứu của một bạn ở Hà Nội về trường hợp một chú chó bị chích điện và bị quẳng giữa đường đúng ngày 30 Tết. Ngày Tết không còn phòng khám thú y nào làm việc, cô gái cứu bé Rơi đem về nhà chăm sóc, bốn ngày sau mới được chữa trị nhưng cả 4 chân đều hoại tử, phải cắt bỏ. Không ai nhận chăm sóc một chú chó cụt chân, vết thương còn rỉ máu.
Chị Ngọc nhắn cho cô gái: "Nếu bé vào được Sài Gòn mình sẽ chăm sóc bé". Bằng sự trợ giúp của cộng đồng, khi vết thương còn chưa lành hẳn, Rơi đã được chuyển vào Sài Gòn qua đường hàng không. Được chị Ngọc chăm sóc, hơn một tháng sau Rơi mới khỏe nhưng không còn chân nên di chuyển như một con ếch. "Một tháng sau mình phải chuyển nhà, mải dọn đồ đạc lên xe mà chưa chuyển lũ chó. Sợ mình bỏ rơi, nó đã lết ra nằm chờ sẵn trước đầu chiếc xe tải", chị chia sẻ.
Sáu năm nuôi đàn chó liệt thì 5 lần chị Ngọc phải chuyển nhà vì bị hàng xóm phản ánh. Năm ngoái, chị được một mạnh thường quân cho mượn mảnh đất rộng giữa cánh đồng, xa khu dân cư để dựng nhà cưu mang đàn chó. Với số tiền dành dụm ít ỏi, chị dựng một phòng ở, một khu nuôi chó riêng bằng tường gạch, chắn tôn. Tháng này dư giả chị tô tường, tháng sau ốp gạch men, gia cố hàng rào...
"Lúc Ngọc mới về đây lũ chó chưa quen hễ nghe tiếng gì lạ là sủa. Nhưng giờ chị Ngọc xây tường kín rồi, lũ chó nghe tiếng Ngọc cũng chịu im. Nhà tôi từ trước nay không nuôi chó mèo nhưng sang nhà Ngọc thấy đàn chó liệt lại thương, lúc rảnh tôi sang phụ Ngọc cho ăn và tắm chó", chị Bích Vui, 26 tuổi hàng xóm chị Ngọc nói.
Giữa trưa, khi vừa giao xong hai đơn hàng cho khách, chị Ngọc dừng xe dưới tán cây nghỉ tránh nắng. Bật điện thoại theo dõi camera ở nhà, chị thấy cậu bé Vàng liệt hai chân sau đang gầm gừ định cắn nhau. Chị Ngọc la lớn vào điện thoại: "Vàng ơi không được đánh bạn". Những chú chó ở nhà nghe tiếng chị Ngọc qua chiếc loa im phăng phắc, nghìn ngơ ngác xung quanh.
Trong căn nhà sập xệ nhưng thoáng mát, hai chiếc quạt bật hết công suất quay vù vù. Mỗi đứa lết đến một góc nằm bẹp, hứng ánh nắng xiên qua mái tôn, mắt lim dim ngủ. "Bây giờ, cuộc sống của mình như vậy là hạnh phúc", chị mỉm cười, nổ máy tiếp tục đón khách.
Diệp Phan