Chị Hằng Bùi, 43 tuổi, Hà Nội, tự nhận là người cá tính mạnh và thích di chuyển. Chị luôn tò mò về thế giới xung quanh và muốn khám phá những cung đường. Khi có con, chị cũng tự nhiên cuốn con theo những chuyến đi.
Cuối tháng 7, chị Hằng đã tới Hà Giang trong 5 ngày. Chuyến đi đáng nhớ với chị bởi là lần đầu phượt bằng xe máy. Đồng hành cùng chị là con gái 7 tuổi, con trai 14 tuổi và một người dẫn tour. Chuyến đi được chị mô tả là "choáng ngợp".
Để chuẩn bị cho hành trình, chị mất hai tuần lên kế hoạch. Trước khi lên đường, chị chỉ thông báo với hai con về địa điểm, thời gian và cách thức di chuyển để các con biết. Chị Hằng thường không đọc quá nhiều các chia sẻ du lịch và cũng không mô tả quá cụ thể điểm đến để tránh mọi định kiến cho bản thân và các con. Chị muốn các con tự cảm nhận theo cách của mình. Từ nhỏ, hai con của chị Hằng đã được đi du lịch nhiều nơi nên không phải thuyết phục hay "bắt ép", dù trước đó cả hai chỉ đi kiểu nghỉ dưỡng, khám phá nhẹ nhàng.
Ba mẹ con chị đi xe giường nằm từ bến xe Mỹ Đình vào 21h. Khoảng 3h sáng hôm sau, xe tới homestay Giang Sơn (TP Hà Giang), địa điểm quen thuộc của các phượt thủ, vừa nghỉ chân trước chuyến đi, vừa là nơi có thể thuê xe máy. Từ đây, chị Hằng và hai con bắt đầu hành trình 5 ngày khám phá Hà Giang bằng xe máy.
Ngày đầu tiên là chặng từ Hà Giang đi Du Già dài 90 km. Cả nhà dậy từ 6h sáng chuẩn bị đồ đạc cẩn thận chất lên xe máy. Do đã quen với các chuyến đi và chị Hằng thích leo núi nên đồ đạc chị đều chuẩn bị sẵn sàng, chỉ bổ sung thêm các món đồ cần thiết như áo mưa, áo chống nắng... Đi cùng chị là một tour guide.
"Đặc sản của Hà Giang là núi, nên đoạn đường từ thành phố Hà Giang - Thuận Hòa - Thái An - Đường Thượng có cơ man nào là cua trái, cua phải. Cứ đếm nhanh từ 1 tới 5 là sẽ lại gặp một khúc cua, lúc thì là cua tay áo lên dốc cao chót vót, lúc lại xuống vực sâu hun hút. Trước khi đi, mình từng lo lắng, liệu chạy xe lâu thế có ngủ gật không. Nhưng thực tế mới thấy, dù gió mát hiu hiu, mình cũng không thể ngủ gật bởi mắt phải mở to, não phải hoạt động hết công suất để lái xe thật an toàn", chị Hằng kể.
Nhưng chặng đường khó khăn ấy đổi lại là cảm giác ngợp giữa trời mây, núi non trùng điệp. Chị như bị thôi miên trong tiếng gió, tiếng thác, bóng nắng, mây trời.... "Đến một cái chớp mắt mình cũng thấy tiếc vì sợ bỏ lỡ cảnh sắc hùng vĩ của thiên nhiên", chị nói thêm.
Sau khi tới homestay Du Già, buổi chiều chị và các con trải nghiệm tắm thác. Cả gia đình đi bộ hơn 1 km từ nhà nghỉ tới thác, xuyên qua những bản người Mông, người Tày. Sau chặng đường lổn nhổn đá sỏi, lên dốc xuống dốc, cuối cùng ba mẹ con cũng nhìn thấy dòng thác lớn đổ ào ào từ trên cao xuống tạo thành bể bơi tự nhiên trong vắt như gương. Ngày đầu tiên của chị Hằng và hai con kết thúc với một giấc ngủ êm đềm.
Ngày thứ hai, chị Hằng cùng các con chinh phục chặng đường Du Già tới Mèo Vạc, dài 90 km. Sau những đoạn cua tay áo, cả nhà dừng chân nghỉ bên vực đứng thứ hai ở Hà Giang - hẻm Nậm Lang. Đến chiều, chị Hằng và các con đã tới được làng H’Mong Pả Vi thuộc Mèo Vạc, nơi có căn phòng nhìn ra ruộng ngô ngút mắt và xa xa là điểm lên dốc của Mã Pí Lèng. Ở ngày thứ hai ngày, trải nghiệm đáng nhớ nhất của chị Hằng là khung cảnh rừng trúc thẳng tắp tuyệt đẹp, nơi cả nhà nghỉ chân dưới ánh nắng xuyên qua qua những chiếc lá trúc lấp lánh. Khung cảnh đẹp và yên bình đến nỗi chị không muốn rời đi.
Tối muộn là hành trình hiking 2 km tới đỉnh núi cao nhất của xã Lũng Pù để săn đom đóm. Nhưng đỉnh núi cao, gió to và lạnh nên đom đóm không lên nhiều. Bù lại, hai bạn nhỏ được trải nghiệm và ngắm nhìn không gian núi cao hùng vĩ trước khi chìm vào giấc ngủ ngon sau cả ngày dài trên đường.
Chị Hằng và các con dành trọn ngày thứ ba rong chơi ở hẻm vực Tu Sản, được mệnh danh hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á. Hẻm Tu Sản nằm dưới chân đèo Mã Pí Lèng, có chiều cao vách đá gần 1.000 m, dài gần 2 km. Dưới chân vực là sông Nho Quế xanh ngắt uốn lượn quanh các vách núi. Từ trên đường lớn, chị Hằng cùng người dẫn tour lái xe chở hai bạn nhỏ tới điểm đỗ xe máy sau chặng đường hẹp và dốc. Từ đây, cả nhà phải đi bộ hàng trăm bậc thang để tới bến thuyền. Trải nghiệm bơi trên dòng Nho Quế cũng là một kỷ niệm đáng nhớ với chị. Chị Hằng so sánh bơi trong dòng nước mát lạnh giữa nắng nóng giống cảm giác "nhảy ùm xuống hồ băng lạnh ngắt ở Nga" mà chị từng trải nghiệm. Cả nhà "ngáy khò khò" sau khi được massage và tắm lá thuốc.
Ngày thứ tư là chặng Đồng Văn - Quản Bạ dài 120 km, mệt nhất nhưng cũng là ngày hai con chị được trải nghiệm nhiều "lần đầu tiên". Đó là lần đầu tiên hai bạn nhỏ nhìn thấy cột cờ trên đỉnh Lũng Cú ở độ cao 1.500 m, là lần đầu tiên thăm những ngôi nhà trình tường lợp ngói âm dương của người Lô Lô, được ngắm hoa tam mạch còn sót lại hay Dinh "Vua Mèo"...
Chị Hằng đã hãnh diện vì mình và các con đã cán đích thành công sau ngày thứ năm, về lại TP Hà Giang an toàn với 55 km chạy xe cuối cùng. Chia sẻ về chuyến đi, chị Hằng cho biết không có ý định dạy dỗ gì các con, bởi theo chị, những điều mà bố mẹ muốn dạy dỗ chưa chắc các con đã muốn học.
Chị chỉ tâm sự: "Mình chỉ muốn mở cánh cửa cho các con nhìn thấy đất nước mình thật đẹp, để sau này dù đi đâu các con cũng trở về. Mình cũng muốn con nhìn thấy những người bạn cùng tuổi... Mình muốn các con nhận ra chúng ta luôn có thể vượt qua mọi ngưỡng chịu đựng, vượt qua mọi mệt mỏi, phàn nàn và cáu kỉnh để được trải nghiệm và có những kỷ niệm khó quên".
Chị Hằng ví các con như "miếng thịt" và trải nghiệm thì giống như mật ong ngọt ngào, cứ phết từng lớp lên chúng, rồi một ngày nào đó tới tuổi trưởng thành, các con sẽ "mềm và ngon". Sau chuyến đi, hai bạn nhỏ dù mệt nhưng đều vui. Về nhà, khi nghe các con kể với ông bà và ba những điều mắt thấy tai nghe, những "lần đầu tiên" ấn tượng trong chuyến đi, chị Hằng thấy mình đã "phết" thành công lớp mật mới lên tâm hồn các con.
Veronica Linh
Ảnh: NVCC