Chị Monica Bielanko là một người mẹ ba con ở Mỹ, thường xuyên có những bài viết về nuôi dạy con trên các tờ The Huffington Post, Yahoo and Mom.me. Bài viết về chủ đề chửi thề trước mặt con của chị được đăng trên diễn đàn làm cha mẹ Fatherly và được bình chọn là một trong các chia sẻ nuôi dạy con hay nhất năm 2015.
Tôi đã lớn lên, như hầu hết mọi người, với một ý nghĩ rằng: có những lời nói "tốt đẹp" và những lời nói "dơ bẩn". Dưới sức ép của mẹ và bà ngoại mình, tôi đã quen nói những lời tốt và tránh xa những lời thô bỉ, xấu xa. Có hẳn một danh sách cấm cho những từ ngữ kiểu này nhưng gần như nó không bao giờ có giới hạn.
Thế nhưng, khi đến tuổi trưởng thành, những câu chửi thề lại khiến tôi ngày càng thích thú. Chúng làm cuộc sống của tôi phong phú hơn, mang lại tiếng cười cho mọi người và giúp tôi thể hiện bản thân mình.
Nhiều người nghĩ ai chửi thề đều là những kẻ kém hiểu biết. Nhưng trong cuốn "Tóm tắt lịch sử chửi thề", chuyên gia văn học trung cổ Melissa Mohr đã giải thích hoàn toàn khác: Người bình thường thực sự chửi thề rất nhiều. Chúng ta nói những lời tục tĩu đó nhiều ngang với việc sử dụng các đại từ nhân xưng như: "chúng tôi", "chúng ta"... Đó có lẽ là lý do vì sao một số đứa trẻ học chửi thề còn trước khi biết đánh vần chữ cái A, B, C.
Melissa Mohr cho biết, đến 2 tuổi, hầu hết trẻ em biết ít nhất một từ chửi thề và thực sự nâng lên tầm cao mới khi được 3 hoặc 4 tuổi. Trong một nghiên cứu, Timothy Jay, giáo sư tâm lý học tại Đại học Massachusetts (Mỹ) cũng cho biết: Trẻ em ngày càng quen chửi thề hơn.
Nếu là người hay chửi thề, bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng: Chửi thề giúp giảm đau. Nó còn là một thứ thuốc tẩy công hiệu, giúp chúng ta đối phó với nỗi đau hoặc những cảm xúc mãnh liệt. Khi đặt tay vào một thùng nước lạnh, bạn có thể giữ tay mình ở trong đó lâu hơn nếu bạn nói: "Khỉ thật!" hay một câu chửi thề nào đó, càng tục tĩu càng có hiệu quả.
Đe dọa hay trừng phạt những đứa trẻ của mình khi nghe được chúng chửi thề không phải là cách nuôi dạy con cái của tôi. Tôi giải thích cho chúng rằng có người sẽ cho rằng đó là những từ tục tĩu và họ cũng không sử dụng chúng ở trường học hay nơi công cộng. Vì thế sẽ là không hay nếu chửi thề trước mặt những người không phải bạn bè mình.
Đương nhiên có những câu tôi không muốn con cái mình nói ra. Nhưng điều này không đơn giản chỉ là việc bảo chúng rằng: "Đây là những từ tốt đẹp, kia là những từ bị cấm nói". Từ xấu theo định nghĩa trong nhà tôi bao gồm cả những từ như: "ghét", "câm mồm", "béo", "xấu xí", "ngu ngốc" và bất kỳ từ nào khiến ai đó cảm thấy hổ thẹn về giới tính, chủng tộc, tôn giáo của họ.
Tôi đã cố gắng kiềm chế việc chửi thề. Nhưng thực sự vẫn muốn con mình nghe thấy những lời tục tĩu đó thường xuyên hơn. Bởi vì bằng cách đó, ý nghĩa tục tĩu của những câu chửi thề sẽ mờ dần đi. Chúng trở thành những lời nói thông thường, không còn là "lời nói xấu xa" nữa, trừ khi được sử dụng để làm tổn thương ai đó.
Theo định nghĩa "từ xấu" đó, bất kỳ từ nào cũng có thể trở thành xấu xa, độc ác hay tục tĩu nếu bạn muốn sử dụng nó như một vũ khí làm tổn thương người khác. Vì vậy, định nghĩa về một nhóm từ bị coi là "xấu" với trẻ em thực sự rất võ đoán và khó hiểu.
Tôi không muốn dạy con cái mình giả vờ ghê tởm khi nói lời tục tĩu, chửi thề nhưng lại không ngần ngại nhiếc móc người khác bằng những từ ngữ kiểu "ghét" hay "xấu xí". Tôi muốn chúng nhận ra rằng ám chỉ người khác bằng những từ ngữ miệt thị mới là kiểu chửi thề tai hại nhất.
Trong cuộc chiến này, với tư cách là một bà mẹ, tôi không cố gắng cấm các con mình chửi thề bằng mọi giá. Trái lại, tôi muốn chúng hiểu rằng nhiều khi những từ ngữ mang tính chế nhạo, kỳ thị mà phần lớn mọi người đều coi là bình thường mới đáng bị tẩy chay, ghê tởm. Dù sao đi nữa, tôi vẫn sẽ làm những điều mình cảm thấy đúng đắn và tốt đẹp nhất cho các con của mình, những đứa trẻ tôi yêu quý nhất trên cuộc đời này.
Minh Phương