Bà Gượng vẫn tần tảo bán cháo. Ảnh: NLĐ |
Nhà ông Xử, bà Gượng ở thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) làm ruộng, nghèo nhưng 10 người con nổi tiếng hiếu học. Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, dãy bằng khen treo kín tường với các danh hiệu như: “Học sinh giỏi”, “Gia đình hiếu học”...
Đời mình cơ cực thì đời sau phải tươi sáng, vợ chồng ông Xử nghĩ vậy và chịu khó làm đủ thứ việc như nuôi heo, bán bánh mì, làm thuê... dành hết tiền bạc cho con ăn học.
20 năm trước, vợ chồng ông Xử phải “rứt ruột” nhìn hai con trai lớn vừa học xong lớp 9 đã phải xa nhà, lên tận miền núi làm ăn, kiếm tiền để tiếp tục việc học. Vợ chồng ông “cày” cật lực vừa làm mướn vừa mót lúa, chặt mía... cũng không đủ ăn. Nhìn đàn con nhỏ ngấu nghiến cơm độn sắn mì, ông bà xót lòng.
Vào mùa tựu trường, nhà có bao lúa giống gần tới mùa sạ cũng phải đem bán đi để đủ tiền mua vở cho con... Rồi bà Gượng ra bán cháo lòng, gia đình có đồng vào đồng ra, đỡ cơ cực phần nào. Vợ chồng ông bà luôn dạy các con người đi trước phải biết nâng đỡ người đi sau; anh em phải thuận hòa, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau. Nhờ đó, lần lượt 10 người con của ông Xử đều học hành, đạt trình độ cử nhân, thạc sĩ, có địa vị trong xã hội.
Gia đình ông Xử cũng rất tích cực trong việc đóng góp cho phong trào khuyến học địa phương, cộng đồng. Họ vận động giáo viên tranh thủ ngày nghỉ phổ cập giáo dục cho trẻ em nghèo; kêu gọi mở lớp dạy nghề mộc, tiện, điện miễn phí cho thanh niên; hình thành câu lạc bộ hiếu học ở các khu phố.
Trải qua gần 50 năm tần tảo nuôi con ăn học, giờ đã có thể “xả hơi” an dưỡng tuổi già nhưng bà Gượng vẫn bám lấy hàng cháo lòng. Cô con gái út Huỳnh Thị Ngọc Anh, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, tâm sự: “Xa nhà tôi nhớ mẹ lắm, nhất là mỗi khi tờ mờ sáng mẹ lụi cụi bếp núc để cho con bữa sáng trước khi đi học. Có mẹ bên cạnh, chúng tôi ấm lòng hơn”.
(Theo Người Lao Động)