Đại hội cổ đông Công ty cổ phần sữa Việt Nam (VNM) chiều 25/4 tại TP HCM nóng lên khi nhiều cổ đông liên tục đặt câu hỏi về tình hình tiêu thụ sữa và sức cạnh tranh trên thị trường của Vinamilk.
"Sức mua thị trường nội địa như thế nào? Căng thẳng biển đỏ và xung đột ở Trung Đông có khiến doanh số bán hàng của công ty bị ảnh hưởng", cổ đông đặt câu hỏi.
Một mình trả lời toàn bộ mấy chục câu hỏi, CEO Mai Kiều Liên khiến cổ đông gật gù khi phần giải đáp ngắn gọn, đầy đủ từng nội dung.
Theo bà Liên, từ năm 2022 đến nay, sức tiêu thụ các sản phẩm từ sữa trên thị trường liên tục tăng trưởng âm. Quý I năm nay, theo Nielsen sức mua chung của ngành này âm trên 2,8%, trong đó riêng mảng sữa bột âm đến 20%. Điều này cũng có ảnh hưởng tới công ty, nhưng nhờ tái định vị sản phẩm và có chiến lược kinh doanh hiệu quả nên sức mua toàn ngành sữa của Vinamilk ở nội địa tăng 5%, còn xuất khẩu tăng tới 14%.
"Chúng tôi thực hiện chiến lược đi bằng hai chân, đánh chiếm cả nội địa và bành trướng xuất khẩu nên năm nay cả doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng 4-5% so với cùng kỳ", bà Liên nói.
Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận chỉ khoảng 4-5%, cổ đông cho rằng Vinamilk còn thận trọng. Tuy nhiên, bà Liên cho rằng ngành sữa cạnh tranh khá khốc liệt, sức mua chung toàn ngành còn ảm đạm. Trong vòng 5-10 năm nữa dù dân số Việt Nam có tăng lên 120 triệu dân, công ty cũng vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng bình quân ở mức 5-10% mỗi năm (tùy vào tình hình thị trường).
Xét ở khía cạnh tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu, Vinamilk vẫn dẫn đầu ngành với tỷ lệ 19-20%. Sở dĩ doanh nghiệp giữ được tỷ suất lợi nhuận tốt là nhờ quản lý vận hành hiệu quả chi phí hoạt động của công ty.
Quý I, tổng doanh thu hợp nhất công ty tăng 1,2%, lợi nhuận trước thuế tăng 17%, lãi sau thuế tăng 15,8% so với cùng kỳ 2023 (chưa kiểm toán).
Với các dự án, công ty cho biết tới quý 4 năm nay, nhà máy, trang trại của Vinabeef sẽ đi vào hoạt động và sản phẩm sẽ được đưa ra thị trường. Dự án Thiên đường Sữa Mộc Châu chậm hơn vì liên quan tới vấn đề đất đai. Nhà máy sữa Hưng Yên đã hoàn thành xong phần san lấp mặt bằng và sẽ khởi công trong tháng 7.
Hoạt động liên kết, liên doanh tại Philippines trong hai năm gần đây (2022, 2023) vẫn còn khó khăn do thị trường mới, nhưng công ty này kỳ vọng năm thứ tư sẽ cho kết quả khả quan.
Vinamilk không có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ. Công ty sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ tức 38,5% (1 cổ phiếu nhận 3.850 đồng) tương đương với năm 2023. Số tiền công ty dự chi để trả cổ tức cho cổ đông lên đến hơn 8.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 95% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Năm nay công ty này đặt kế hoạch tổng doanh thu dự kiến là 63.163 tỷ đồng, tăng 4,4% so với thực hiện năm ngoái, lợi nhuận trước thuế là 11.516 tỷ đồng, tăng 5%. Nếu hoàn thành kế hoạch, Vinamilk sẽ phá kỷ lục doanh thu lập được vào năm 2021 và có năm thứ 2 liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận dương.
Thi Hà