Tại đại hội đồng cổ đông trực tuyến hôm 25/4, bà Mai Kiều Liên đánh giá tình hình kinh doanh năm nay vẫn nhiều thử thách, biến động. Trong bối cảnh các quốc gia và thương mại quốc tế phụ thuộc nhau, một nền kinh tế bị suy thoái sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới nơi khác. Thực trạng này tác động không nhỏ đến người tiêu dùng lẫn đối tác của Công ty Cổ Phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
"Trước yếu tố trên, Vinamilk bước vào năm tài chính 2023 với sự thận trọng, quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ, có vậy mới vượt qua cái bóng thành công, hào quang trước đây, phát huy hết tiềm năng trong thời kỳ mới", bà Liên cho hay.
Ưu tiên ngắn hạn của doanh nghiệp là tăng trưởng thị phần và doanh số bán hàng một cách bền vững, có lợi nhuận. Ban lãnh đạo tập trung tối ưu chi phí vận hành, tái đầu tư mở rộng kênh phân phối, củng cố sức mạnh thương hiệu.
Công ty có nhiều hoạt động cụ thể góp phần củng cố vị thế. Điển hình trong quý I, Vinamilk và Vilico cùng tập đoàn Sojitz của Nhật khởi công dự án chăn nuôi, chế biến thịt bò Vinabeef, tổng diện tích 75,6 ha tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc, tổng vốn 500 triệu USD.
Ngoài ra, doanh nghiệp vừa "bắt tay" với sáu tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu thế giới ký kết đối tác chiến lược, ứng dụng thành tựu khoa học quốc tế vào sự phát triển sữa bột trẻ em Vinamilk. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng của Vinamilk lẫn ngành sữa trong nước.
Nhờ quyết liệt chuyển đổi số, báo cáo tài chính ba tháng đầu năm của đơn vị đạt kết quả tương đối tốt. Tổng doanh thu hợp nhất cán mốc 13.954 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2022. Lợi nhuận trước thuế khoảng 2.312 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 22% và 22,1% kế hoạch năm.
Năm nay, doanh nghiệp sẽ đặt mục tiêu doanh thu 63.380 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 10.496 tỷ đồng, ổn định so với 2022.
Cụ thể, doanh thu thuần nội địa hợp nhất đạt 11.491 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh tiếp tục ghi nhận điểm sáng ở kênh khách hàng đặc biệt và hệ thống cửa hàng Giấc Mơ Sữa Việt, tăng trưởng so với cùng kỳ đạt lần lượt 50% và 12%.
Thị trường nước ngoài quý I đạt 2.428 tỷ đồng, tăng trưởng doanh thu thuần 9,4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thuần xuất khẩu khoảng 1.225 tỷ, tăng 7,5% so với 2022. Đầu năm, Vinamilk ký kết thành công nhiều hợp đồng lớn với tổng giá trị đến 100 triệu USD. Bên cạnh đó, sự phát triển của liên doanh Del Monte Vinamilk ở Philippines góp phần tích cực vào sự phục hồi mảng xuất khẩu.
Doanh thu thuần các chi nhánh nước ngoài đạt 1.203 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ nhờ phong độ ổn định của Driftwood (Mỹ) và AngkorMilk (Campuchia), mức trưởng doanh thu đạt lần lượt 7% và 11% so với năm ngoái.
Biên lợi nhuận gộp hợp nhất đạt 38,8%; tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu thuần là 23,9%. Doanh thu tài chính đạt 420 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ nhờ khoản tiền gửi duy trì ở mức cao, mặt bằng lãi suất tiền gửi thuận lợi..
CEO Mai Kiều Liên kỳ vọng: "Từ quý II, giá nguyên vật liệu mới tương đối ổn định và kết quả kinh doanh sẽ tốt lên trong các quý tiếp theo".
Hôm 31/3, số dư tiền ròng hợp nhất chiếm hơn 24% tổng tài sản. Tỷ lệ nợ trên tổng tài sản ở mức 14%, tối ưu hơn so với mức 10% vào cuối năm trước để tận dụng đòn bẩy hiệu quả trong hoạt động vận hành, luân chuyển vốn.
Năm nay, Vinamilk dự kiến dùng tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất để trả cổ tức, dự kiến tạm ứng đợt một vào ngày 5/10 (mức 1.500 đồng/cổ phiếu).
Năm trước, đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chia cổ tức 3.850 đồng/cổ phần. Công ty đã tạm ứng hai đợt: 1.500 đồng/cổ phần vào ngày 19/8/2022 và 1.400 đồng/cổ phần hôm 28/2. Đơn vị sẽ thanh toán nốt cổ tức - 950 đồng/cổ phần - trong đợt ba, dự kiến ngày 5/10. Tổng số cổ tức của năm 2022 là 8.046 tỷ đồng.
Vạn Phát