Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Mã CK: VNM) vừa công bố giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ. Theo đó, có 12 lãnh đạo cấp cao bất ngờ đăng ký mua vào cổ phiếu VNM trong khoảng thời gian từ 19/2 đến 18/3 bằng phương pháp khớp lệnh. Tổng khối lượng mua là hơn 400.000 cổ phần, tương ứng giá trị 51,3 tỷ đồng.
Trong đó, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên đăng ký mua vào 118.140 cổ phiếu, giá trị gần 15 tỷ đồng. Nếu giao dịch thành công, bà Liên sẽ tăng sở hữu lên 3,4 triệu cổ phiếu, nâng khối tài sản chứng khoán lên mức 435 tỷ đồng.
Trước đó, bà Mai Kiều Liên cũng có mặt trong top 40 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2015 với tổng tài sản 417 tỷ đồng.
Em trai bà Liên là ông Mai Quang Liêm - Trưởng bộ phận kênh khách hàng cũng tăng sở hữu lên 152.454 đơn vị.
Ngoài bà Mai Kiều Liên, hàng loạt thành viên chủ chốt của Vinamilk cũng đăng ký mua cổ phiếu.
Ông Trần Minh Văn - Giám đốc điều hành sản xuất đăng ký mua 30.230 cổ phiếu, nâng sở hữu lên 491.073 đơn vị. Bà Ngô Thị Thu Trang là giám đốc điều hành dự án cũng đăng ký mua 35.490 cổ phiếu nâng lên một triệu đơn vị.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa đăng ký mua 46.530 cổ phiếu tăng sở hữu lên 813.000 cổ phần. Giám đốc điều hành Nghiên cứu và phát triển Nguyễn Quốc Khánh và Quyền giám đốc nhà máy sữa Thống Nhất Nguyễn Minh Ấn lần lượt đăng ký mua vào 27.460 và 6.310 cổ phiếu.
Ngoài ra, ông Phan Minh Tiên - Giám đốc điều hành marketing đăng ký mua 11.000 cổ phiếu, Quyền giám đốc tài chính kiêm Kế toán trưởng - Lê Thành Liêm mua thêm 20.900 cổ phần. Bà Bùi Thị Hương - Giám đốc điều hành nhân sự, hành chính và đối ngoại nâng tỷ lệ sở hữu lên 32.792 cổ phiếu.
Giám đốc điều hành hoạt động kiêm Giám đốc điều hành kinh doanh - Mai Hoài Anh và ông Trịnh Quốc Dũng - Giám đốc điều hành phát triển vùng nguyên liệu cũng đăng ký mua lần lượt nâng sở hữu lên 158.371 - 266.218 đơn vị.
Cổ phiếu VNM được nhiều nhà đầu tư săn đón, hiện thị giá đạt 128.000 đồng. Trước đó, ngày 15/2, Vinamilk cũng xin ý kiến cổ đông rút khỏi 7 ngành nghề: bốc xếp hàng hoá, dịch vụ chăn nuôi, dịch vụ sau thu hoạch, dịch vụ trồng trọt, xử lý hạt giống, in ấn và ngành tư vấn môi giới, đấu giá bất động sản, quyền sử dụng đất.
Ngoài ra công ty còn điều chỉnh nội dung hai mã ngành nghề là vận tải hàng hoá bằng đường bộ và ngành kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Phía công ty không công khai lý do, song giới đầu tư đánh giá Vinamilk đang khá sốt ruột với kế hoạch nới room ngoại và việc rút khỏi 7 ngành nghề kinh doanh trên là nhằm mục đích này.
Bạch Dương