Ngày nay, những lý thuyết cố gắng liên hệ đặc điểm sinh học với hành vi phạm tội đã bị bác bỏ vì thiếu cơ sở khoa học và có thể bị dùng làm căn cứ phân biệt đối xử. Dù vậy, một số người vẫn cho rằng những lý thuyết "trông mặt bắt hình dong" đã phần nào giúp mở đường cho khoa học pháp y phát triển.
Não tướng học
Khi còn trên ghế nhà trường tại Vienna (Áo) vào cuối thế kỷ 18, bác sĩ người Đức Franz Josef Gall (1758-1828) tự hỏi tại sao trí nhớ của mình kém hơn nhiều so với bạn học, trong khi ông vượt xa họ ở các phương diện khác. Sau hồi quan sát, Gall để ý thấy mắt của những người có trí nhớ tốt sẽ nhô ra ngoài nhiều hơn.
Từ quan sát này, Gall dành nhiều năm tìm kiếm lời giải thích về mặt sinh học cho sự chênh lệch về năng lực giữa người này với người kia. Kết quả của quá trình tìm kiếm này là "não tướng học", lý thuyết được Gall hy vọng có thể lý giải mọi hành vi của con người.
Theo lý thuyết não tướng học của Gall, bộ não được cấu tạo từ 27 bộ phận. Mỗi bộ phận đại diện cho một nét tính cách như bao dung, tham lam, kiêu ngạo, và hóm hỉnh... Gall tin rằng kích cỡ mỗi bộ phận sẽ quyết định cường độ của mỗi nét tính cách mà bộ phận đó đại diện. Ngoài ra, vì hình dáng bộ não ảnh hưởng tới hộp sọ, Gall cho rằng có thể xác định tính cách con người bằng cách nghiên cứu hình dáng hộp sọ.
Dần dần, người theo học thuyết của Gall cho rằng con người khi sinh ra có não bộ cân bằng và về cơ bản là người tốt. Nhưng nếu có một hoặc một số bộ phận trong não kém phát triển, quá phát triển, bị tổn thương hoặc bị bệnh, não bộ người đó sẽ mất cân bằng và dẫn đến hành vi lệch lạc. Như vậy, theo não tướng học, tội phạm sẽ bắt nguồn từ sự phát triển quá mức hoặc dị thường tại một vùng não nhất định, chẳng hạn như vùng phụ trách tính cách phá hoại.
Sau khi ra đời, não tướng học mau chóng trở nên phổ biến tại châu Âu và Bắc Mỹ. Người theo học thuyết này bắt đầu áp dụng các nguyên tắc của Gall trong nghiên cứu tội phạm. Họ xem xét hộp sọ của tội phạm để tìm manh mối về tính cách và xuất bản sách hướng dẫn cách làm.
Với việc liên hệ hành vi lệch chuẩn với khiếm khuyết não, não tướng học cho thấy sự bất đồng với các lý thuyết trước đó. Trước thời kỳ Khai sáng vào thế kỷ 18, tội phạm được cho là kết quả của "cái ác" hoặc lực lượng siêu nhiên. Đến thời kỳ Khai sáng, tự do ý chí được đề cao nên tội phạm được coi là việc con người tự lựa chọn phạm tội. Vì thế, biện pháp ngăn chặn duy nhất là phạt nặng.
Đến não tướng học, vai trò của yếu tố tự do ý chí bị xem nhẹ. Người "bình thường" có thể tự do lựa chọn phạm tội nên cần nhận sự trừng phạt tương ứng. Nhưng người tái phạm nhiều lần không nhất thiết phải chịu trách nhiệm vì được cho là mắc rối loạn tâm thần. Thay vào đó, họ có thể và cần được điều trị. Vì thế, người theo não tướng học là một trong những nhóm phản đối án tử hình kịch liệt nhất trong giai đoạn giữa thế kỷ 19.
Tới nửa cuối thế kỷ 19, não tướng học dần mất đi sự thu hút nhưng vẫn được duy trì cho tới thế kỷ 20 trong một số lĩnh vực. Lý thuyết này hiện bị coi là ngụy khoa học.
Thuyết thoái hóa tội phạm
Cesare Lombroso (1835–1909), bác sĩ người Italy, dành phần lớn sự nghiệp nghiên cứu cơ thể người phạm tội và người mắc bệnh tâm thần. Trong lần kiểm tra hộp sọ của một kẻ phạm tội trộm cắp và phóng hỏa vừa chết, Lombroso phát hiện thi thể có vết lõm nhẹ sau gáy, đặc điểm bất thường ở người nhưng phổ biến ở một số loại linh trưởng. Sau khi nhận thấy đặc điểm này ở một số tên tội phạm khác, Lombroso đặt giả thuyết cho rằng tội phạm là sự tiến hóa lùi quay về con người tiền sử.
Lombroso bắt đầu lập luận rằng tính chất tội phạm được di truyền. Những tên "tội phạm bẩm sinh" có thể được phân biệt với người thường qua các đặc điểm cơ thể người như cằm bạnh, tai vểnh, lưỡng quyền cao, mắt đỏ ngầu. Một số nét tính cách (như lười biếng) hoặc đặc điểm phi di truyền (như hình xăm) cũng có thể là dấu hiệu phân biệt.
Cesare Lombroso thí nghiệm trên phạm nhân, người điên, và người thuộc tầng lớp thấp bị bắt trên đường phố Italy. Ông đo đạc đặc điểm cơ thể của những người này, đo huyết áp, thử khả năng chịu đau và phản ứng với các kích thích khác.
Từ đó, Lombroso khẳng định tội phạm có khả năng chịu đau tốt, mắt tinh, không biết hối hận, dễ bốc đồng... Một số tội phạm như kẻ trộm cắp, hiếp dâm và giết người có thể được phân biệt bằng các đặc điểm cụ thể.
Được gọi là "Thuyết thoái hóa tội phạm", lý thuyết của Lombroso phần nào đặt nền móng cho cách tiếp cận có hệ thống đối với tội phạm và hình phạt. Giống lý thuyết não tướng học, người theo thuyết này cũng phản đối tuyên án tử hình với người bị thoái hóa chưa nặng và gây án do yếu tố môi trường.
Tuy rất thịnh hành trong lúc Lombroso còn sống, tư tưởng của ông dần phai mờ và nhường chỗ cho các thuyết xã hội học về tội phạm khi lịch sử chuyển sang thế kỷ 20.
Khoa học về tạng người
Lý thuyết về tạng người được do William Sheldon (1898-1977), nhà tâm lý học người Mỹ, đặt ra vào thập niên 1940. Sau khi xem xét 4.000 ảnh chụp sinh viên các trường đại học hàng đầu, ông đã phân loại kiểu thân thể của nhóm này thành ba loại tạng người: endomorph, mesomorph, và ectomorph.
Theo phân loại của Sheldon, tạng người endomorph tròn, mềm, và dễ tích mỡ, có tính cách thân thiện, bình thản, và hướng ngoại. Mesomorph là tạng người cứng, cơ bắp, và ngực vạm vỡ, có tính cách hung hãn, cứng rắn, và thô lỗ. Ectomorph là tạng người cao, gầy, có bề ngoài mong manh, tính cách hướng nội và căng thẳng.
Cách phân loại trên được Sheldon ứng dụng vào nghiên cứu về 200 trẻ vị thành niên phạm tội. Cuối cùng, ông kết luận tạng người mesomorph dễ có hành động bốc đồng và dễ phạm tội nhất.
Lý thuyết của Sheldon về mối liên hệ giữa tạng người và tính cách đến nay phần lớn đã bị bác bỏ. Nhiều người chỉ trích phương pháp nghiên cứu của Sheldon và cho rằng đây không phải là lý thuyết khoa học mà chỉ là những giả định chung chung về mối liên hệ giữa cơ thể và hành vi.
Quốc Đạt (Theo Mental Floss, The Atlantic)