- King Coffee vừa tham gia Hội chợ Triển lãm Thế giới Expo 2020 Dubai. Doanh nghiệp đạt được những thành công gì tại sự kiện này?
- Độ phủ rộng của King Coffee đến lúc này là 120 nước và vẫn trong lộ trình mở rộng hơn nữa trên bản đồ của thế giới. Năm qua, khi tìm hiểu về Triển lãm Expo, tôi thấy đây là sự kiện gần như lớn nhất hành tinh khi có tuổi đời đến 170 năm, được tổ chức 5 năm một lần, quốc gia đăng cai được đón nhận các doanh nhân đến từ hơn 190 quốc gia cùng một lúc. Sự kiện trình diễn tất cả những điều đặc biệt về quá khứ, hiện tại, tương lai của một đất nước. Tôi thấy đây là cơ hội tốt cho chúng tôi để tiếp cận cùng một lúc hơn 190 quốc gia đó.
King Coffee là thương hiệu đại diện cho ngành cà phê và ngành nông nghiệp Việt Nam tại Expo. Chúng tôi phối hợp cùng Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch tổ chức các hoạt động quảng bá cà phê Việt Nam với thế giới trong suốt 6 tháng (10/2021-3/2022), nhất là sự kiện Ngày Quốc gia Việt Nam (30/12/2021) và Tuần lễ Cà phê Việt Nam (1/2022).
Chúng tôi tham gia các hoạt động liên quan đến cà phê tại triển lãm này với tư cách là một thương hiệu cà phê lớn. Hầu như tất cả du khách khi thưởng thức cà phê của chúng tôi đều ấn tượng về chất lượng.
Khi chúng tôi giới thiệu về cà phê Việt Nam trong Tuần lễ Cà phê Việt Nam, du khách rất ngạc nhiên với cà phê trứng, cà phê Ê Đê, cà phê sữa đá...
Triển lãm đã đi được nửa đường và chúng tôi đã để lại những dấu ấn và đạt được thành quả như mình đã dự định.
- King Coffee đã làm gì để kết nối các doanh nghiệp đến với Dubai Gateway?
- Tại Expo Dubai, King Coffee nỗ lực quảng bá văn hóa cà phê, chiến lược phát triển cho ngành cà phê, đồng thời thông tin rộng rãi cho các doanh nghiệp thuộc những ngành hàng khác ở Việt Nam cũng xem đây là cơ hội lớn để vươn ra thế giới.
Chúng tôi đã cùng Vietravel tiếp cận hầu hết các hiệp hội, tất cả các ngành, để họ có thể tham gia triển lãm này. Tới nay đã có hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đến đây. Expo Dubai cũng rất năng động khi làm kênh triển lãm online giúp các doanh nghiệp không thể đến trực tiếp do Covid-19 vẫn có thể quảng bá hình ảnh hoặc tham gia. Ngoài ra, trên các kênh mạng xã hội của Expo Dubai, chúng ta có thể xem được hết các hoạt động và cơ hội mà Expo mang lại. Expo còn tổ chức Ngày Quốc gia cho mỗi quốc gia tham dự. Vì vậy, nếu quốc gia có ngành nào nhiều tiềm năng thì có thể tập hợp các doanh nghiệp ngành đó đến đúng ngày đó để liên hệ và làm việc.
Từ tháng 10/2021 đến nay, chúng tôi đã làm tốt vai trò kết nối ngay tại Dubai, đồng thời truyền thông tốt về đất nước của mình. Dubai là một thành phố biểu tượng có tính lan tỏa rất mạnh trong 22 quốc gia của thế giới Ả rập. Hiện diện ở Dubai sẽ giúp các doanh nghiệp mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường này.
- Điều gì khiến bà tâm đắc nhất tại Expo 2020 Dubai?
- Tôi làm gì cũng có mục tiêu rõ ràng. Khi quyết định tham dự Expo Dubai, tôi nghĩ ngay điều gì sẽ làm cho King Coffee nổi bật và rực rỡ ở đó. Tôi bắt tay viết sách "The Queen of King Coffee" từ đầu năm 2021 để kịp giới thiệu tại Expo Dubai. Thời gian dịch, không đi du lịch hay công tác giúp tôi chăm lo cuốn sách chu đáo hơn.
Đây gần như là cuốn sách tiếng Anh về doanh nhân đầu tiên của Việt Nam ra thế giới. Trên thế giới, thông tin về Việt Nam chưa phong phú. Trên kệ sách toàn cầu người ta có thể tìm thấy những sách nói về chiến tranh Việt Nam, nhưng sách về văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, cơ hội kinh doanh ở Việt Nam rất hạn chế. Vì thế, tôi chọn ra mắt sách bằng tiếng Anh với tư cách là nữ doanh nhân đầu tiên chọn sách như là phương tiện để giới thiệu về cà phê Việt Nam, văn hóa cà phê Việt Nam với thế giới. Sự kiện này đã gây sự chú ý đối với truyền thông quốc tế đang hội tụ tại Expo. Ban tổ chức Expo Dubai cũng đăng tải thông tin liên tục mấy ngày liền trên các kênh truyền thông của họ, lan tỏa trên 192 quốc gia.
Sách ra mắt ngày 29/12/2021, hơn 100 tờ báo trên thế giới đã đăng về King Coffee và cuốn sách, nói về cà phê Việt Nam nên tôi rất vui. Điều này vượt hơn cả những gì tôi dự tính ban đầu. Tôi cũng đưa sách lên Amazon, kênh bán hàng lớn nhất thế giới và đã nhận được sự đón nhận của độc giả hầu như khắp thế giới. Khi có người đặt mua, Amazon tự in sách và giao tới tận tay độc giả.
Theo lộ trình, cuốn sách sẽ được dịch ra nhiều thứ tiếng, đầu tiên là tiếng Ả rập để phổ biến cho thế giới Ả rập với 22 quốc gia. Khi tôi ra mắt sách tại Dubai, người Ả rập muốn tôi tham gia nhiều hoạt động để nói chuyện với phụ nữ, người trẻ khởi nghiệp... chứ không chỉ giới hạn trong cuốn sách. Họ muốn dịch sách ra tiếng Ả rập để thuận lợi hơn cho việc phổ biến.
Họ ấn tượng với hình ảnh của phụ nữ và khởi nghiệp, không chỉ với ngành cà phê mà cả ngành khác. Cuốn sách trang bị cho họ khá nhiều kiến thức. Thực tế, thế giới Ả rập đang khuyến khích phụ nữ bước ra khỏi vùng an toàn của mình và họ có được tự do đó. Những động lực từ cuốn sách của tôi có thể giúp họ tự tin hơn.
- Sách sẽ có tiếng Việt chứ, thưa bà?
- Dự tính tháng 3, sách sẽ ra mắt phiên bản tiếng Việt tại Việt Nam, sau đó tầm tháng 6 -7, tôi sẽ ra mắt cả tiếng Việt và tiếng Anh tại Mỹ. Nhiều độc giả tại Mỹ nói với tôi họ đang mong đợi buổi ra mắt này.
Cuốn tiếng Việt không phải là bản dịch lại từ tiếng Anh mà là một phiên bản khác. Chuyện của tôi ở Việt Nam nhiều người biết, nhưng đó là về một "drama" nào đó. Còn cuốn sách là một cẩm nang cho người mới khởi nghiệp, cho người phụ nữ cân bằng cuộc sống và công việc kinh doanh, người phụ nữ lãnh đạo và những trách nhiệm với quốc gia, khát vọng với đất nước của mình.
- Bà kỳ vọng gì ở cuốn sách này?
- Hơn 20 năm tôi ở vai lãnh đạo doanh nghiệp nhưng không cho mọi người nhìn thấy mình. Điều này tốt cho chuyện gia đình tôi trước đó, nhưng lại không tốt cho tôi khi xảy ra sự cố. Tôi nghĩ người phụ nữ khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo nên cân bằng giữa danh tiếng trên xã hội và tổ ấm của mình để chủ động làm đúng vai trò của người lãnh đạo hơn, sẽ giúp lèo lái con thuyền doanh nghiệp đi vững chắc hơn.
Mọi người sẽ nhìn thấy những quyết định quan trọng của tôi để có thương hiệu Trung Nguyên, G7, hành trình để thương hiệu Trung Nguyên, G7 thành công không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thế giới.
Mỗi thử thách đến với con người là một sự sắp đặt. Nếu mình biết đối diện với thử thách đó để vượt qua và vươn lên thì mình có thể thể hiện rõ định vị con người của mình. Sự thử thách càng lớn thì định vị và sự hướng tới của con người mình càng đặc biệt, đó cũng là sứ mệnh. Tôi đã chia sẻ tất cả những điều này trong cuốn sách.
- Nếu ra mắt cuốn sách tiếp theo, chủ đề bà chọn là gì?
- Tôi nghiên cứu sâu về cà phê nên cuốn sách tiếp theo sẽ là "The Master of Coffee", chuyên gia về cà phê. Để truyền bá cà phê Việt Nam ra thế giới, tôi còn phải làm nhiều việc khác nữa, ngoài việc King Coffee sẽ có chuỗi quán cà phê hiện diện ở khắp thế giới, sản phẩm có ở các siêu thị trên toàn cầu. Tôi muốn thông qua những cuốn sách để giới thiệu những tư tưởng, văn hóa rất đặc sắc, khác biệt của cà phê Việt Nam với thế giới. Chắc chắn rằng nó sẽ xứng tầm đối với cà phê thế giới.
- Vì sao bà lại dấn thân cho cà phê đến như vậy?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng trồng cà phê. Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến việc cà phê được giá thì mất mùa, mất mùa thì được giá. Giá cà phê rất thấp và bấp bênh. Người nông dân chỉ làm trong rẫy cà phê mà không biết thế giới thế nào. Trong hệ sinh thái cà phê hay chuỗi giá trị toàn cầu, phân đoạn của người nông dân chỉ nhận được giá trị rất nhỏ.
Lúc đó, trong hiểu biết của mình, tôi thấy có nhiều thương hiệu cà phê rất nổi tiếng nhưng đất nước của họ không trồng cà phê như Thụy Điển, Mỹ... Tôi luôn băn khoăn tại sao họ làm được mà mình lại không làm được điều đó?
Thời bao cấp, cà phê được coi là mặt hàng xa xỉ, người buôn cà phê phải giấu hàng rất kỹ... Tôi nhận thấy rõ ràng cà phê đang có nhu cầu rất lớn, vì sao không làm cà phê trở thành mặt hàng phổ cập? Trong khi cà phê có quá nhiều lợi ích, như giúp tinh thần sáng tạo, làm việc tập trung hơn, hiệu quả hơn. Hãy cho cà phê cơ hội để đi vào cuộc sống.
Hơn 20 năm về trước, chúng ta hầu như không thấy cà phê trên quầy kệ của các siêu thị, nhưng ngày hôm nay cà phê chiếm tới 6 khoang kệ. Du khách đến Việt Nam đều ưu tiên mua cà phê Việt Nam đem về nước vì chất lượng tốt. Đó là nền tảng tốt để phát triển cà phê Việt Nam, cũng như King Coffee thành công trên thị trường thế giới.
- Tháng 10/2021 Tổ chức Liên minh Kỷ lục thế giới (World Records Union) công nhận kỷ lục cà phê Robusta Việt Nam. Điều này tác động như thế nào đối với cà phê Việt Nam?
- Đó là thời khắc lịch sử vì ngành cà phê Việt Nam trải qua mấy trăm năm mà giờ đây mới ghi nhận Robusta có tên trên bản đồ thế giới và xác lập được kỷ lục.
Tôi biết rất rõ cà phê Việt Nam có tất cả những điều kiện để có được một kỷ lục của thế giới. Tuy gặp khó khăn khi thuyết phục hiệp hội hay cơ quan nhà nước xem đây là một tài sản của quốc gia, song tôi vẫn quyết tâm thúc đẩy để Liên minh Kỷ lục thế giới công nhận Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất về sản lượng và năng suất, công nhận các giá trị di sản về nghệ thuật pha chế đặc trưng, độc đáo (cà phê Ê-đê, cà phê vợt, cà phê phin), nghệ thuật phối trộn và thưởng thức cà phê đa dạng, sáng tạo và độc đáo qua các thức uống, món ăn (cà phê trứng, cà phê sữa đá...). Khi tôi công bố Kỷ lục này tại Expo Dubai, tất cả những khách tham quan tại đó đều ồ lên thích thú và dành sự chú ý đặc biệt cho King Coffee.
Điều đáng nói là Liên minh Kỷ lục thế giới đã công nhận những loại cà phê được pha chế đặc biệt của Việt Nam như sữa đá, cà phê trứng, cà phê Ê-đê. Ở đây, chúng ta đang phối trộn các loại cà phê với nhau để chế biến ra một loại ngon hơn, đặc biệt hơn, hoàn toàn không sử dụng hương liệu, hóa chất. Sự công nhận nghệ thuật phối trộn hữu ích cho những người làm cà phê thay đổi suy nghĩ và hướng về lựa chọn cách thức làm cho chất lượng sản phẩm của mình vượt trội.
Ngoài ra, tôi thấy còn nhiều cơ hội khác để phổ cập rộng hơn ý thức và trách nhiệm cho những người kinh doanh trong ngành cà phê.
- Bà kỳ vọng ra sao vào sự phát triển cà phê Việt Nam năm 2022?
- Dù Covid-19 nhưng năm 2021, ngành cà phê vẫn tăng trưởng, đó là điều rất đặc biệt. Có thể quán cà phê phải đóng nhưng sản phẩm vẫn giao đến tận nhà, được sử dụng trong gia đình nhiều hơn. Trước dịch, nhiều người uống 1-2 ly mỗi ngày thì trong dịch lại uống 3-4 ly. Tổng ngành cà phê toàn cầu tăng 4% trong năm qua và Việt Nam cũng tăng.
Tôi cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng có những chiến lược cho ngành cà phê, để đón nhận cơ hội rất lớn trong 5 năm tới, vì quy luật cung cầu, nếu chúng ta không làm thì các quốc gia khác làm tốt hơn, sẽ vươn lên. Thời điểm này rất tốt để Việt Nam nhìn lại, có chiến lược vững chắc để đi đồng bộ từ chính phủ đến doanh nghiệp, người tiêu dùng, thay đổi toàn cục cho ngành cà phê.
- Dịp Tết đến bà thường nghĩ về điều gì?
- Dù trong thời điểm nào, nhất là trong những lúc khó khăn vì dịch bệnh như năm nay, người lãnh đạo càng cần để tâm lo lắng cho nhân viên của mình: lo lắng làm sao để mọi nhân viên an toàn, tiêm vaccine đầy đủ, cẩn thận để không chịu ảnh hưởng từ dịch quá nhiều. Các hành động động viên tinh thần từ người lãnh đạo cũng giúp mọi nhân viên có tư duy tích cực hơn. Như vậy hoạt động của công ty mới có thể tiếp tục duy trì.
Tết là lúc gia đình được tụ tập với nhau. Tôi rất nhớ ba tôi, ông mất hơn 20 năm. Khi còn ba, ông luôn làm cho ngày Tết ấm áp. Nguyên con đường của nhà tôi sẽ nổ pháo nhiều nhất xóm, ba cho uống sâm-panh, chúc tụng nhau, dạy các con cách thức hiểu được giá trị con người của mình, giá trị sống trong cuộc đời một con người. Ba dạy những chuyện rất nhỏ. Tôi rất nhớ ba và nhớ những cái Tết có ba. Bây giờ không còn ba nữa, gia đình tụ họp với nhau thường kể chuyện về ba. Khi anh em đoàn kết, gia đình luôn ấm áp và hạnh phúc.
Nội dung: Kim Anh - Ảnh: Ragheesh, Quỳnh Trần - Thiết kế: Đức Việt