Trong vài tháng trước sinh nhật lần thứ 65, các quản lý của J&M Industries Inc., bao gồm người giám sát trực tiếp, liên tục hỏi bà về kế hoạch nghỉ hưu: "Khi nào bà sẽ nghỉ hưu?", "Tại sao bà không nghỉ hưu ở tuổi 65?" và "Lý do bà không nghỉ hưu là gì?". Bà trả lời sẽ không nghỉ hưu khi bước sang tuổi 65.
Bà đã làm nhân viên mua hàng cho công ty sản xuất và phân phối có trụ sở tại Louisiana trong gần 20 năm.
Theo đơn kiện do Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng Mỹ (EEOC) đệ trình, khi sa thải bà vào tháng 5/2020, công ty nói lý do "tài chính bất ổn". Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau, J&M Industries tuyển dụng nhân viên nam 39 tuổi thế chỗ bà.
Theo EEOC, J&M Industries bị cáo buộc vi phạm Đạo luật phân biệt đối xử về tuổi tác trong tuyển dụng. Luật này ngăn chặn hành vi phân biệt đối xử với người xin việc hoặc nhân viên từ 40 tuổi trở lên.
Theo thông báo ngày 1/2 của EEOC, J&M Industries sẽ phải trả cho người phụ nữ 105.000 USD tiền nợ lương và bồi thường thiệt hại để dàn xếp vụ việc.
Luật sư của EEOC cho biết: "Người sử dụng lao động phân biệt đối xử với người lao động lớn tuổi là vi phạm pháp luật. Quyết định này phục vụ lợi ích chung, giúp xoa dịu nhân viên cũ và bảo vệ những người khác khỏi sự phân biệt tuổi tác".
Đáp lại khiếu nại của EEOC, J&M Industries phủ nhận sa thải nhân viên 65 tuổi vì tuổi tác. Công ty cũng phủ nhận việc thay thế bà bằng nhân viên 39 tuổi, lập luận rằng anh này có nhiệm vụ rộng hơn, quan trọng hơn.
Hồ sơ tòa án cho biết J&M Industries thừa nhận các câu hỏi về kế hoạch nghỉ hưu được đưa ra "để đánh giá sự cần thiết của việc lập kế hoạch bồi dưỡng người kế tiếp" hoặc chỉ đơn thuần là "những câu hỏi vu vơ".
Để dàn xếp vụ việc, J&M Industries còn phải cam kết đào tạo nhân viên, sửa đổi chính sách của công ty, thường xuyên báo cáo cho EEOC và đăng tuyên bố tuân thủ Đạo luật phân biệt đối xử về tuổi tác trong tuyển dụng.
Tuệ Anh (Theo Miami Herald)