Vừa giơ lưng cho lương y Triệu Thị Liên đắp thuốc bệnh, bà Nguyễn Thị Huệ (51 tuổi) ở Mỹ Đức (Hà Nội) vừa vui mừng kể: “Tôi bị bệnh tụt huyết áp đã lâu rồi, tháng trước khi đang nấu bếp chẳng may bệnh tái phát và ngã ngất ra. Mãi sau đứa con trai đi làm về mới phát hiện ra tôi đang nằm cạnh đống lửa và bị cháy 2/3 lưng, vết bỏng làm cháy sâu vào tận xương, da thịt lở loét".
Bà Nguyễn Thị Huệ đang được lương y Triệu Thị Liên đắp thuốc vào vùng bỏng lưng, vết thương đã lên da non. Ảnh: Chu Hiền . |
Giọng chùng xuống, bà Huệ nói tiếp: "Sau gần 1 tháng điều trị tại bệnh viện Hà Nội, vết bỏng của tôi cứ khâu vá da lại lở loét, nhiễm trùng, tưởng như không cứu được. Nghe có người mách đến thầy thuốc Liên ở Hòa Bình, gia đình tôi lại từ bệnh viện đưa về đây chữa bệnh. Mới hơn một tuần giờ vết bỏng đã khô và bắt đầu lành da, may mà có bà Liên cứu, thật phúc đức quá”.
Còn anh Bùi Văn Hiệu, xã Hà Bình, thành phố Hòa Bình, chia sẻ: “Nếu mà nói về người bị bỏng chắc chẳng ai bị như em đâu. Hồi trước em bị điện giật, bỏng toàn thân, lớp da bên ngoài cháy đen. Gia đình đưa đi khắp các bệnh viện tuyến trung ương nhưng cũng không chữa được vì nhiễm trùng quá nặng. Lúc bệnh viện trả về để gia đình lo hậu sự thì tình cờ được một người mới bị bỏng vôi mách mời thầy thuốc Liên đến chữa bệnh. Quả như mọi người đồn thổi, sau 2 tháng điều trị vết bỏng đã dần mất đi và bắt đầu mọc da non. Giờ em đi làm việc bình thường, lần nào về quê em cũng ghé thăm gia đình bác”.
Bà Huệ, anh Hiệu không phải là người đầu tiên có may mắn này. Cho tới nay, hơn 40 năm trong nghề y, bà Liên đã cứu chữa hàng trăm trường hợp bị bỏng nặng mà nhiều người trong đó từng "thập tử nhất sinh".
Nối nghề bốc thuốc từ mẹ, và bà ngoại vốn đều từng nổi tiếng là lương y chữa bỏng ngoài da và xương khớp, bà Liên đã đọc sách vở và tự mình vào rừng hái thuốc từ năm 7 tuổi. Lên 10 tuổi, bà có thể dùng lá thuốc sát trùng và sơ cứu vết thương cho người dân địa phương bị bỏng. Cái tên thân thương “Liên thần dược” được họ quen gọi từ ấy.
Những cây thuốc từ rừng về được lương y Triệu Thị Liên phân loại cẩn thận. Ảnh: Chu Hiền. |
Tốt nghiệp THPT, bà Liên thi đậu Đại học Y và theo học ngành Đông Y. Ở trường, bà đã tìm tòi các phương pháp chữa bệnh bằng Đông y và thuốc Nam đặc biệt hiệu quả. Bà cũng thường xuyên được cử đến các bệnh viện thực tập chữa bệnh bằng Đông y và thuốc Nam.
Ra trường với bằng giỏi, bà vào công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Bôi. Ngoài những giờ làm việc không biết mệt mỏi ở bệnh viện, buổi trưa hoặc ngày nghỉ, bà lại một mình lặn lội vào rừng sâu hái thuốc Nam về để chế thuốc chữa cho các bệnh nhân bị bỏng, điện giật tại nhà. Sở y tế tỉnh Hòa Bình cũng đã cấp phép cho bà được thực hiện "bài thuốc chữa bệnh bỏng cổ truyền".
Tiếng lành đồn xa, căn phòng chữa bệnh nhỏ của bà lúc nào cũng có người ra vào tấp nập, người bệnh từ nhiều tỉnh như Phú Thọ, Hưng Yên, Hà Nam… cũng về đây. Có những ca bỏng nặng, nhiễm trùng da, bệnh viện tuyến trung ương đã trả về, bà vẫn chữa khỏi bằng bài thuốc lá cây của mình. Những ca bệnh nặng về đây được bà thu xếp nơi nghỉ ngơi, ăn uống và ở lại chữa đến khi khỏi hẳn.
Điều đặc biệt, bà chỉ lấy tiền thuốc chữa khi người bệnh đã khỏi và khỏe mạnh. Cũng có những bệnh nhân hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sau khi chữa khỏi, lúc về bà còn cho họ vài trăm nghìn đi tàu xe…
Nhận xét về bà, một đại diện của Sở y tế Hòa Bình cho biết: "Chị Liên là người công tác lâu năm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Bôi, là người có tinh thần và trách nhiệm cao trong công việc, luôn hoàn thành tốt nhiệm của cấp trên giao phó. Những bài thuốc của chị Liên hiệu quả trong công tác điều trị, đem lại niềm tin cho bệnh nhân. Sở Y tế tỉnh Hòa bình ủng hộ và đồng tình với việc làm của chị".
Giấy chứng nhận của Sở Y tế Hòa Bình về "bài thuốc chữa bỏng cổ truyền" của lương y Triệu Thị Liên có hiệu quả chữa bệnh. Ảnh: Chu Hiền. |
Ngoài tài chữa bỏng, thầy thuốc Triệu Thị Liên còn nổi danh chữa các ca bệnh rắn cắn. Bà cũng mở phòng thuốc châm cứu và chữa bệnh cho người dân về xương khớp, bệnh trĩ… Hiện bà còn xây dựng một dãy nhà 5 phòng nhỏ để những người bệnh đến không còn lo ngại khó khăn về đi lại, tốn kém mà an tâm chữa bệnh.
Bước sang tuổi 67, đã nghỉ hưu, sức khỏe yếu nhiều, nhưng vì người bệnh bà vẫn rất tận tình. Lương y Liên tâm sự: “Đến với nghề thuốc phải có cái tâm và sự gắn bó với nghề. Người bốc thuốc chữa bệnh cũng coi như một cơ duyên. Nếu theo ngành thuốc mà nghĩ đến danh lợi, tiền tài sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành một thầy thuốc giỏi được người bệnh quý trọng”.
Chu Hiền