Cựu giám đốc tình báo Đức August Hanning, người giữ chức vụ từ năm 1998 đến năm 2005, tuần này cáo buộc Ba Lan hợp tác với Ukraine trong kế hoạch đánh bom đường ống Nord Stream hồi cuối tháng 9/2022.
"Theo kết quả điều tra, có vẻ như một nhóm người Ukraine đã làm việc đó", Hanning nói trong cuộc phỏng vấn với báo Die Welt. "Rõ ràng là chính quyền Ba Lan có liên quan", ông cho biết, đồng thời kêu gọi Đức yêu cầu Ukraine và Ba Lan bồi thường thiệt hại.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kỹ thuật số Ba Lan Krzysztof Gawkowski hôm nay phản bác ý kiến này. "Ba Lan không tham gia vào bất cứ điều gì. Tôi nghĩ đây là thông tin sai lệch từ Nga được truyền tải qua lời của các chính trị gia Đức", ông nói. "Hoặc là họ hành động dưới tác động của Moskva, hoặc là họ biết rằng điều này sẽ dẫn đến chia rẽ giữa các quốc gia thành viên NATO".
Hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 từ Nga sang Đức qua biển Baltic bị hư hại sau các vụ nổ hồi tháng 9/2022. Vào thời điểm đó, các đường ống đều đang không hoạt động. Hai vị trí Nord Stream rò rỉ nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và hai nằm trong EEZ của Đan Mạch.
Các công tố viên Ba Lan hôm 14/8 thừa nhận họ đã nhận được lệnh bắt do Đức ban hành đối với một thợ lặn Ukraine cư trú tại nước này bị cáo buộc liên quan đến vụ đánh bom đường ống Nord Stream. Tuy nhiên, Warsaw nói nghi phạm đã rời khỏi đất nước trước khi bị bắt.
Báo Mỹ Wall Street Journal tuần này dẫn thông tin từ các quan chức quân sự Ukraine giấu tên và cuộc điều tra của Đức, nói rằng kế hoạch đánh bom đường ống được hình thành từ một cuộc họp trong quán rượu giữa các sĩ quan và doanh nhân Ukraine vào tháng 5/2022, 4 tháng trước vụ nổ.
Theo cuộc điều tra của cảnh sát Đức, có 6 người tham gia thực hiện vụ tấn công, gồm 5 đàn ông và một phụ nữ, đến từ Ukraine. Họ thuê một chiếc du thuyền để làm nhiệm vụ và rời cảng Warnemunde thuộc thị trấn Rostock trên Biển Baltic vào ngày 6/9/2022, khoảng 3 tuần trước vụ tấn công.
4 trong 6 người có kinh nghiệm lặn. Họ sử dụng một loại thuốc nổ mạnh được gọi là HMX, nối chúng với các ngòi nổ được điều khiển bằng bộ hẹn giờ và gắn vào đường ống. Các điều tra viên của Văn phòng Cảnh sát Liên bang Đức (BKA) được cho là đã tìm thấy dấu vết chất nổ trên du thuyền giống với chất nổ phát hiện dưới đáy Biển Baltic, gần nơi đường ống bị phá hủy.
Ukraine ngày 15/8 tuyên bố những cáo buộc về việc họ có liên quan đến vụ phá hoại đường ống là "hoàn toàn vô lý".
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters)