Tên lửa rơi xuống làng Przewodow ở đông nam Ba Lan lúc 15h40 ngày 15/11 (1h40 ngày 16/11 giờ Hà Nội), giết chết hai dân thường tại đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ba Lan Lukasz Jasina hôm nay cho biết. Jasina thêm rằng Đại sứ Nga tại Ba Lan đã được triệu tập để đưa ra "lời giải thích chi tiết ngay lập tức".
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho hay nước này chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy ai đã phóng quả đạn. "Rất có thể đó là một tên lửa do Nga sản xuất, nhưng tất cả đang được điều tra", ông Duda nói với phóng viên.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trước đó triệu tập cuộc họp khẩn của Ủy ban thuộc Hội đồng Bộ trưởng về An ninh Quốc gia và Quốc phòng, sau các thông tin ban đầu cho thấy xảy ra vụ nổ ở ngôi làng gần biên giới với Ukraine. Sau cuộc họp, quân đội Ba Lan đã được đặt trong tình trạng báo động cao.
"Đã có quyết định nâng cao tình trạng sẵn sàng chiến đấu của một số đơn vị chiến đấu và các quân chủng khác", phát ngôn viên Piotr Muller nói với phóng viên sau cuộc họp ở Warsaw.
Trong khi đó, Ukraine cáo buộc tên lửa rơi vào lãnh thổ Ba Lan là của lực lượng Nga. "Hôm nay, tên lửa Nga đã tấn công Ba Lan, lãnh thổ của một quốc gia đồng minh. Đã có người thiệt mạng", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong bài phát biểu toàn quốc hôm 15/11, mô tả cuộc tấn công là "hành động leo thang rất đáng kể".
Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ cáo buộc phóng tên lửa vào Ba Lan. Trong bài đăng trên Telegram, Bộ Quốc phòng Nga gọi đây là "hành động khiêu khích có chủ ý nhằm làm leo thang tình hình".
"Không có cuộc tấn công nào được thực hiện nhằm vào mục tiêu gần biên giới Ukraine - Ba Lan bằng vũ khí tầm xa của Nga", tuyên bố cho biết.
Khi được phóng viên liên lạc để hỏi về sự việc, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng "tôi không có thông tin gì".
Ba Lan được bảo vệ theo cam kết phòng thủ tập thể của NATO, quy định trong Điều 5 hiệp ước thành lập. Tuy nhiên, ngay cả khi một cuộc tấn công xuyên biên giới được xác nhận, phản ứng của liên minh có thể tuỳ thuộc vào việc đó là hành động vô tình hay cố ý.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đăng Twitter kêu gọi các thành viên NATO triệu tập hội nghị thượng đỉnh "ngay lập tức". Người phát ngôn của Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết Hungary, cũng là thành viên NATO có biên giới với Ukraine, đã triệu tập hội đồng quốc phòng quốc gia sau thông tin sự việc.
Phát ngôn viên NATO Oana Lungescu thông báo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp trong ngày 16/11 với các đại sứ của liên minh về vụ nổ tại Ba Lan. "Tổng thư ký sẽ chủ trì cuộc họp khẩn cấp của các đại sứ NATO để thảo luận về sự cố bi thảm này", Lungescu cho hay.
Ông Stoltenberg cho rằng điều quan trọng là tìm ra sự thật nguyên nhân "vụ nổ" chết người ở Ba Lan, sau khi hội đàm với Tổng thống Andrzej Duda. "Tôi đã trao đổi với Tổng thống Duda về vụ nổ ở Ba Lan. Tôi gửi lời chia buồn về thiệt hại nhân mạng. NATO đang theo dõi tình hình và các đồng minh đang tham khảo ý kiến chặt chẽ", ông Stoltenberg viết trên Twitter.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington "sẽ xác định điều gì đã xảy ra và các bước phù hợp tiếp theo sẽ là gì". Theo Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã điện đàm với Tổng thống Ba Lan Duda, khẳng định "duy trì liên lạc chặt chẽ để xác định các bước tiếp theo phù hợp khi cuộc điều tra được tiến hành".
Ông Biden, người đang dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia, cũng đã điện đàm với Tổng thư ký NATO Stoltenberg về sự việc ở Ba Lan.
Thông tin về sự việc ở Ba Lan được đưa ra sau khi Kiev cáo buộc Nga tập kích tên lửa các thành phố trên khắp Ukraine ngày 15/11, bao gồm cả Lviv gần biên giới với Ba Lan. Theo ông Zelensky, Nga đã phóng 85 tên lửa vào cơ sở năng lượng trên khắp đất nước và khiến 7 triệu ngôi nhà mất điện. Tổng thống Ukraine lên án các cuộc tấn công và cho rằng động thái là "cái tát vào mặt" G20 khi các lãnh đạo nhóm này đang họp thượng đỉnh ở Indonesia.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters, Anadolu)