"Sự bình đẳng của các nước thành viên đòi hỏi khôi phục các cơ hội bình đẳng để phát triển. Vì thế, cần có một cuộc cải cách Eurozone", Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau trả lời báo địa phương Rzechzpospolita ngày 22/8. "Cuộc cải cách này không loại trừ bất kỳ giải pháp nào, các thành viên có thể quay lại sử dụng đồng tiền quốc gia tạm thời hoặc vĩnh viễn".

Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau tại cuộc họp báo ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 27/5. Ảnh: AFP.
Trước đó, cựu phó thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski, chủ tịch đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền, từng cảnh báo nguy cơ người dân Ba Lan "bần cùng hóa triệt để" nếu quốc gia chuyển sang dùng đồng euro.
Ba Lan gia nhập Liên minh châu Âu (EU) năm 2004, song không sử dụng đồng euro làm tiền tệ, bất chấp quy định tham gia Eurozone theo Hiệp ước Gia nhập đối với thành viên mới, do các nước đều có quyền hoãn áp dụng đồng tiền chung. Nhưng Warsaw vẫn được cho là cuối cùng sẽ thay thế đồng zloty hiện hành bằng đồng euro.
Chính phủ Ba Lan đã nhiều lần phản đối gia nhập Eurozone trong tương lai gần, nhấn mạnh rằng đây là cách "Warsaw duy trì độc lập và chủ quyền".
Không có điều khoản nào trong hiệp ước của EU về rút khỏi Eurozone. Nhiều học giả lập luận rằng việc gia nhập Eurozone "không thể đảo ngược" và "không thể hủy bỏ".
Kể từ khi gia nhập EU, quan hệ giữa Ba Lan với liên minh đã gặp nhiều bất đồng, như việc đóng cửa mỏ khai thác than Turow khi các nước láng giềng phàn nàn về vấn đề môi trường và tiếng ồn do mỏ than này gây ra. Vài tháng qua, Ba Lan vướng vào cuộc tranh chấp ngày càng gay gắt với EU về giải ngân quỹ phục hồi Covid-19 hơn 35,7 tỷ USD, trong đó EU yêu cầu Ba Lan đáp ứng loạt thay đổi tư pháp để có thể nhận quỹ hỗ trợ. Chủ tịch PiS nhấn mạnh chính phủ Ba Lan sẽ không thực hiện thêm bước nào để đáp ứng các yêu cầu của Ủy ban châu Âu, cáo buộc Brussels muốn "phá bỏ chế độ pháp quyền ở Ba Lan".
Ba Lan là nước có lập trường rất cứng rắn về vấn đề Ukraine, đã nhiều lần thúc giục EU ngừng mua hoàn toàn khí đốt từ Nga, hay trừng phạt các nước thành viên thanh toán khí đốt Nga bằng ruble, nhưng những đề xuất này chưa được triển khai.
Đức Trung (Theo RT, Rzechzpospolita, Guardian)