Mig-29 sẽ đem lại cho phía Nga 20 triệu USD. |
Trung tướng Stanislav Vozniak, tùy viên quân sự Đại sứ quán Ba Lan tại Matxcơva nói: “ Đó là một món quà mà nước Đức tặng cho chúng tôi, nhưng để hợp thức hoá, chúng tôi trả giá 1 euro”.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, Jerzy Szmajdzinski, đã bay tới Berlin để thực hiện hợp đồng nói trên. Với những chiếc máy bay này và 22 chiếc Mig-29 khác mà nước này có trước đó, Ba Lan đã kịp thời nâng cấp lực lượng không quân của mình theo đúng yêu cầu đặt ra của NATO. Ngoài Cộng đồng các Quốc gia độc lập, giờ đây Ba Lan chỉ kém Ấn Độ về số lượng máy bay loại này.
Marat Kenzhetayev, một chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát vũ khí Nga, cho biết hãng Mig có thể kiểm được khoản lời tới 20 triệu USD trong việc nâng cấp các máy bay mà phía Ba Lan mới nhận được này.
Ông Vozniak khẳng định, Ba Lan cần nâng cấp, hiện đại hoá một số nhưng không phải toàn bộ các máy bay phản lực vì có thể tháo rời một vài chiếc để lấy linh kiện thay thế.
Các nhà phân tích cho biết, vụ mua bán này cho Nga cơ hội kiếm lợi nhuận cuối cùng ở châu Âu thông qua các hợp đồng nâng cấp và hiện đại hoá các máy bay Mig-29. Hợp đồng mà hãng Mig thực hiện gần đây nhất là nâng cấp 15 máy bay loại này của Hungary với giá 40 triệu USD.
Các quan chức và nhà phân tích của hãng Mig cho biết, thiệt hại duy nhất mà Nga phải chịu trong vụ mua bán này là việc huỷ bỏ MAPS, một liên doanh giữa Mig, Rosoboronexport một công ty xuất khẩu vũ khí Nga và hãng DASA của Đức. Liên doanh này được hình thành vào năm 1993 để nâng cấp và sửa chữa các máy bay Mig-29.
Tuy nhiên, theo một quan chức của hãng Mig thì: “MAPS không còn cần thiết nữa. Chúng tôi sẽ hợp tác trực tiếp với Ba Lan hoặc hình thành một liên doanh khác để hiện đại hoá những chiếc máy bay phản lực”.
Konstantin Makiyenko, phó chủ tịch Trung tâm Phân tích Chiến lược có trụ sở tại Matxcơva, nói: “Tôi không cho rằng Ba Lan sẽ phải trả tiền cho Đức để nâng cấp những máy bay Mig. Nga và Ba Lan vốn đã có kế hoạch sẽ lập nên một liên doanh có nhiệm vụ tương tự”.
Năm 1999 khi gia nhập NATO, Ba Lan cam kết sẽ có 160 máy bay phản lực loại hiện đại. Điều này có nghĩa là nước này sẽ có 60 chiếc vào năm 2007.
Nhưng vì khủng hoảng ngân sách, Vacsava đã phải dừng hợp đồng mua máy bay của hãng Lockheed Martin (tập đoàn của Anh- Thuỵ Điển chuyên sản xuất loại máy bay phản lực Saab) và hãng Dassault của Pháp. Bằng việc mua 23 máy bay Mig của Đức, Ba Lan kịp thời đáp ứng yêu cầu của NATO với một giá thấp. Sự kiện này xảy ra cũng đúng vào lúc Đức chuẩn bị ngừng sử dụng những chiếc máy bay đó.
Năm 1995, Ba Lan ký một hợp đồng mua 10 máy bay Mig-29 của cộng hoà Czech để đổi lấy 11 chiếc trực thăng do nước này sản xuất. 12 chiếc Mig-29 đầu tiên mà Ba Lan có là mua của Nga trong giai đoạn 1989-1990. Các nhà phân tích cho rằng, Vacsava sẽ sử dụng những chiếc Mig-29 này cho tới năm 2015.
Xuân Tùng (theo The Moscow Times)