Đó là buổi chiều mưa cuối năm 2018, người phụ nữ nông dân nuôi gà ở huyện Vĩnh Cửu vừa bước sang tuổi 30.
Đang trông con gái ốm ở Bệnh viện Nhi đồng 2, Bùi Thị Thủy nghe em gái kể người hàng xóm bên kia đồi nấu nước gội đầu có mùi thơm thoang thoảng, dễ chịu giống ở Nghệ An quê họ. "Sao chị không làm?", cô em gái đột ngột quay sang hỏi chị.
Ý tưởng cho lần thứ ba khởi nghiệp chợt nảy ra trong đầu Thủy.
Chị Thủy lớn lên ở TP Biên Hòa. Là chị cả của gia đình có bốn người con, chị nghỉ học khi vừa hết lớp 10 để đi làm phụ giúp bố mẹ rồi chuyển sang làm công nhân ở công ty áo len Đài Loan.
Người đen sạm, gầy gò, nhỏ nhất xưởng may nhưng Thủy chịu khó tăng ca nên sau hai năm, chị nằm trong danh sách công nhân giỏi. 19 tuổi, Thủy bỏ làm công nhân, khởi nghiệp lần thứ nhất với một xưởng may riêng và 20 nhân công.
Ba năm sau, xưởng may thất bại do nhiều nguyên nhân, nguồn hàng và lợi nhuận thấp, nhưng cho Thủy bài học vỡ lòng về vận hành khởi nghiệp.
Năm 22 tuổi, Thủy lấy chồng và chuyển về huyện Vĩnh Cửu sinh sống. Ba đứa con lần lượt ra đời, gánh nặng kinh tế đè lên vai cặp vợ chồng trẻ. Họ khởi nghiệp lần thứ hai với trang trại gần 10.000 con gà.
Thời gian đó, ngày nào Thủy cũng lục tục dậy từ 3h sáng chở sọt gà đi giao, buồn ngủ chỉ tấp vào chợ đầu mối gục trên yên xe, tờ mờ sáng về cho con ăn uống, đi học. Vợ chồng không thuê nhân công bởi không đủ chi phí, gần như kiệt sức nhưng tích cóp được 150 triệu đồng.
Giữa hè 2018, chị bị lừa, mất trắng số tiền 150 triệu, cùng lúc phát hiện con út viêm phổi, co giật, triệu chứng hệt như con giữa mắc trước đó ba năm.
"Suy sụp, chán nản và bế tắc", Thủy nhớ lại. Vợ chồng đặt nghi vấn có thể môi trường không trong lành, nuôi gà phải dùng thuốc kháng sinh, thuốc mọc lông, cánh, tác động đến hai đứa trẻ. Họ quyết định bỏ nghề nuôi gà.
Lúc được em gái gợi ý làm sản phẩm từ thảo dược tự trồng, Thủy đã rất thích nhưng vẫn băn khoăn. "Người ta là kỹ sư hóa học còn tôi tay ngang liệu có làm được không?", chị nghĩ. "Nhưng không bắt tay vào làm không biết mình đi được đến đâu".
Hôm sau, chị gọi về cho bà ngoại ở Nghệ An hỏi về cách nấu nước gội đầu từ lá mần trầu, hương nhu, bồ kết, lá bưởi và sả. Suốt một tháng sau đó, chị đi học người già trồng thảo dược trong vùng và kết nối với một người bạn ở Thái Bình để học kinh nghiệm.
Khi sản xuất thử được khoảng trăm gói gội đầu, Thủy đem đến hội chợ ở quận 1, TP HCM bán thăm dò thị trường không ngờ hết sạch. Cầm 1,6 triệu tiền lời, người phụ nữ mừng suýt khóc và nhận ra tiềm năng của người trẻ thành thị.
Bùi Thị Thủy quyết định đi vay hơn chục triệu để bắt đầu khởi nghiệp lần thứ ba ở mảnh vườn 2000 m2 nằm sau rừng cao su ở huyện Vĩnh Cửu trồng thảo dược như nghệ, hương nhu, sả, bạc hà, ngải cứu, tía tô. Chị đặt tiêu chí không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không phân hóa học.
6 tháng đầu, Thủy nhanh chóng vỡ mộng và trắng tay. Đất vốn trồng tràm trước đó nên cằn cỗi, bạc màu, cây còi cọc, phơi một nắng là mất hết tinh dầu. Vài cơn mưa đi qua, cỏ mọc nhanh gấp đôi nhưng chị phải nhổ tay, mỗi ngày ở vườn hơn 12 tiếng.
"Cảm giác mông lung như người đi trong đêm tối", Thủy kể. Chị đăng ký lớp nông nghiệp hữu cơ ở địa phương và nhận ra do mình quá nóng vội, thiếu kiên nhẫn. Vợ chồng chị bắt tay vào cải tạo đất, sử dụng enzym sinh học để làm lại từ đầu.
Sau ba tháng, vườn của Thủy ổn định thì chị lại đối mặt khó khăn mới, hàng thủ công kén khách trong khi sản phẩm của chị còn đang nghèo nàn. Hai đêm mất ngủ, Thủy đưa ra quyết định táo bạo, nhờ em gái sang Thái Lan học làm xà phòng thỏa dược để về hướng dẫn lại chị.
Hai năm sau cuộc nói chuyện trong bệnh viện, hai chị em Thủy ngồi ở gian nhà lá 20 m2 dựng tạm trong vườn với hai nồi lớn, xung quanh là lỉnh kỉnh dụng cụ và nguyên liệu để nấu xà phòng.
Hơn 20 mẻ đầu bị đổ bỏ do bị mốc, dễ vỡ, không lưu hương. Hàng trăm bánh xà phòng không đạt yêu cầu để lại giặt đồ, rửa chén trong nhà.
Thủy ngẫm lại quá trình khởi nghiệp của mình đã hai năm nhưng vẫn lỗ, phải sống nhờ tiền trợ cấp mỗi tháng 6 triệu của em gái. "Tôi mất lòng tin vào mình, nằm khóc như mưa", Thủy nhớ lại. Nửa đêm, chị bật dậy nhìn ba con ngủ, cảm thấy nếu mình bỏ cuộc lại quay về chuỗi ngày vô định, bấp bênh.
Sự kiên trì cuối cùng cũng được đền đáp. Những bánh xà phòng bưởi vuông vắn, lành tính bắt đầu đến tay khách hàng.
Nhưng đầu ra vẫn là nỗi lo lớn. Chị nhận ra bản thân không có kinh nghiệm quảng cáo trong khi sản phẩm xà phòng, túi gội đầu, bột rửa mặt không thể sống nhờ hội chợ. Chi phí quảng cáo chưa có, Thủy chọn dự cuộc thi khởi nghiệp để xuất hiện trên truyền thông.
Lần đó, chị nhận được giải khuyến khích nông dân ứng dụng xà phòng thảo mộc đổi mới sản xuất của tỉnh Đồng Nai năm 2020; giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2021; giải Nhì Thanh niên nông thôn Việt Nam Trung ương Đoàn 2022.
Anh Đăng Bá Mạnh, cán bộ Sở Khoa học, Công nghệ tỉnh Đồng Nai, chứng kiến câu chuyện khởi nghiệp của chị Thủy, nói rất ấn tượng với nghị lực vượt khó và học hỏi của người phụ nữ trẻ. "Điểm đặc biệt của chị ấy là luôn tìm cách sáng tạo và theo đuổi nông nghiệp bền vững", anh Mạnh nhận xét.
Từ giữa 2022, Thủy bắt đầu có lợi nhuận từ đứa con tinh thần của mình. Chị còn biến khu vườn 2.000 m2 thành nơi lưu trú cho khách du lịch đến Việt Nam và mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em địa phương. Đồng thời, Thủy cũng phát triển thêm mảng workshop, kết nối với công ty du lịch và trường đại học ở TP HCM hướng dẫn khách làm xà phòng thủ công.
"Mọi sự đều cần chữ nhẫn", Thủy hướng dẫn khách tham quan về nhiệt độ nấu lẫn cách đổ khuôn xà phòng nhưng cũng để kể về hành trình của mình.
Ngọc Ngân