"Giờ tôi không còn nhân viên người Ukraine nào nữa", Janiewski, 40 tuổi, cho biết. "Họ đã là trụ cột của công ty tôi".
![Một công trường xây dựng ở Ba Lan. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/03/25/f49d85f264e12cd87b951e4db7f821-9199-9588-1648201884.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=g4ouNBMyzDfPtqrowvLDFA)
Một công trường xây dựng ở Ba Lan. Ảnh: AFP
10 lao động người Ukraine về nước thăm gia đình hồi tháng 1. Một tháng sau, Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine và họ không quay lại Ba Lan. Janiewski không phải doanh nhân Ba Lan duy nhất mất nhân viên Ukraine vì cuộc xung đột.
Hơn 300.000 người Ukraine có giấy phép cư trú tại Ba Lan trước xung đột, theo số liệu chính thức, nhưng con số thực tế khoảng 1,5 triệu người.
"Nam giới Ukraine đã nghỉ việc ở Ba Lan về nước bảo vệ quê hương", Bộ trưởng Chính sách Xã hội và Gia đình Ba Lan Marlena Malag cho hay. "Nhiều nhà tuyển dụng báo cáo một số lĩnh vực đang mất nhân lực".
Theo Jan Stylinski, người đứng đầu Hiệp hội Các nhà Tuyển dụng Xây dựng Ba Lan (PZPB), lĩnh vực xây dựng của Ba Lan bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ thuê 480.000 lao động nước ngoài trước xung đột Ukraine và 80% là người Ukraine. Khoảng 25% người Ukraine ở Ba Lan đã rời khỏi Ba Lan từ khi cuộc xung đột bắt đầu hôm 24/2.
"Công ty nào cũng đối mặt cùng một vấn đề: thiếu lao động Ukraine", Janiewski nói.
Tình trạng này làm tăng thêm gánh nặng thiếu lao động lâu nay trong ngành xây dựng. Năm 2019, ngành xây dựng Ba Lan có nhu cầu sử dụng 150.000 lao động còn "hiện nay, nhu cầu này tăng lên 250.000", theo Janiewski.
Ông cho hay vấn đề chủ yếu ảnh hưởng tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở miền đông Ba Lan, khu vực giáp biên giới Ukraine. Trong một tháng, Janiewski phải gọi điện cho nhiều nhà thầu phụ. Ông vẫn giữ liên lạc với nhân viên ở Ukraine và đề nghị hỗ trợ họ trong thời điểm khó khăn nay. Hiện những người này không thể xuất cảnh vì chính phủ Ukraine yêu cầu đàn ông 18 - 60 tuổi ở lại đất nước theo lệnh tổng động viên.
"Tôi đã làm việc cùng họ suốt 4 năm. Tôi đào tạo họ theo tiêu chuẩn mà tôi đề ra, chúng tôi làm việc rất ăn ý", Janiewski nói.
Ông đang cưu mang gia đình của 10 nhân viên, bao gồm vợ con một số người đang tị nạn ở Ba Lan. "Các cháu đã được đăng ký nhập học", ông nói.
Cũng giống như hàng nghìn người Ba Lan cùng các tổ chức từ thiện và chính quyền địa phương, ông đang kêu gọi giúp đỡ người tị nạn vô điều kiện mà không cần chờ chính phủ hành động.
Ba Lan đã đón hơn 2,2 triệu người Ukraine di tản khỏi đất nước, nhưng họ chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi. Thiếu hụt lao động không phải là tác động tiêu cực duy nhất tới ngành xây dựng Ba Lan.
"Còn nhiều vấn đề nghiêm trọng nữa là hậu quả từ cuộc xung đột, bao gồm tăng giá nhựa đường, nhiên liệu, xi măng, thiếu hụt sản phẩm thiết yếu do chuỗi cung ứng bị gián đoạn hoặc do lệnh trừng phạt", Barbara Dzieciuchowicz, người đứng đầu Phòng Xây dựng Đường bộ Quốc gia Ba Lan, nói.
"Chúng tôi không còn nhập khẩu bất kỳ thứ gì từ Belarus hay Nga nữa", bà cho biết.
![Người tị nạn Ukraine qua cửa khẩu biên giới ở Medyka, đông nam Ba Lan, ngày 24/3. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/03/25/000-326T7QP-7669-1648201884.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qFC_RuAHsDlmZSRuEYwk6A)
Người tị nạn Ukraine qua cửa khẩu biên giới ở Medyka, đông nam Ba Lan, ngày 24/3. Ảnh: AFP
Phương Tây đã ban hành nhiều lệnh trừng phạt với ngân hàng, doanh nghiệp và cá nhân Nga. Belarus cũng đối mặt các lệnh trừng phạt tương tự vì cho phép Nga sử dụng lãnh thổ để đưa quân vào Ukraine.
Dù ngành xây dựng cầu đường chưa gặp rủi ro vào lúc này, nhưng "tình hình khá nghiêm trọng và có thể biến động lớn, chúng tôi cho rằng không thể nhanh chóng lấy lại cân bằng", Dzieciuchowicz nói.
Cuối tháng 2, giá vật liệu xây dựng tăng trung bình 27% so với cùng kỳ năm 2021, chi phí thi công cách nhiệt tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cả tăng cao khi lạm phát ở Ba Lan đang ở mức 8,5% và chi phí nhân công cũng tăng trong bối cảnh lo ngại tình hình chung xấu đi.
Janiewski không muốn lo lắng quá nhiều chuyện tương lai. "Rất khó dự đoán", ông nói. "Tôi chỉ tập trung vào hiện tại, ngay lúc này".
Hồng Hạnh (Theo AFP)