Anh Nguyện được bác sĩ kê thuốc giảm đau song tình trạng không thuyên giảm. Một tuần sau, anh đến Đại học Y Thái Bình để khám lần hai. Lúc này, ngoài đau răng, anh còn bị đau nửa người.
Kết quả chụp X-quang tim phổi cho thấy anh Nguyện có dấu hiệu bị lao phổi hoặc ung thư phổi. Anh tiếp tục kiểm tra lần ba tại Bệnh viện K Trung ương. Tại đây, sau khi chụp chiếu, sinh thiết hạch ở cổ, kết quả cuối cùng cho biết anh Nguyện bị ung thư phổi. Khối u phổi di căn lên hàm khiến anh có cảm giác đau nhức giống đau răng.
"Tôi thực sự bàng hoàng", anh nói. "Tôi là lao động chính trong gia đình, giờ bị bệnh không biết phải làm sao nuôi vợ con và chữa bệnh".
Hiện tại, anh Nguyện phải nhập viện để hóa trị hàng ngày. Các bác sĩ cho biết tiên lượng bệnh phụ thuộc vào khả năng đáp ứng thuốc của bệnh nhân, phương pháp điều trị. Anh cũng đã dần chấp nhận sự thật mắc bệnh và quyết định đối mặt với nó.
Theo bác sĩ Hoàng Văn Luyện, Bệnh viện K Trung ương, ung thư phổi giai đoạn sớm không có triệu chứng. Khi bệnh phát triển bắt đầu xuất hiện các triệu chứng hô hấp như ho, ho ra máu, thở khò khè hoặc khó thở. Triệu chứng toàn thân bao gồm sụt cân, sốt, mệt mỏi, chán ăn và các triệu chứng do khối u xâm lấn vào cấu trúc lân cận như đau ngực, đau xương, khó nuốt, khan tiếng, phù mặt cổ.
Bác sĩ cho biết để phòng ngừa ung thư phổi, mỗi người nên sống lành mạnh, không hút thuốc, tránh hít phải khói thuốc của người khác, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau quả... Bệnh nhân khi có dấu hiệu cần đến ngay cơ sở y tế để khám chữa kịp thời.
Thúy Quỳnh