"Tôi tin rằng tình hình hiện nay đòi hỏi cử một phái đoàn gìn giữ hòa bình của NATO hoặc của một thể chế quốc tế lớn hơn", Phó thủ tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski tuyên bố trong chuyến thăm thủ đô Ukraine hôm qua cùng các lãnh đạo Slovenia và Czech.
Ông Kaczynski nhận định phái đoàn này cần được "bảo vệ bởi lực lượng vũ trang". Nhiệm vụ của họ là "cung cấp viện trợ nhân đạo", đồng thời phải đảm bảo khả năng tự vệ và tổ chức hoạt động trên lãnh thổ Ukraine "với sự chấp thuận của Tổng thống và chính phủ Ukraine".
Thông điệp được công bố trước thềm cuộc họp giữa bộ trưởng các thành viên NATO hôm nay tại Brussels, Bỉ. Ông kêu gọi giới lãnh đạo châu Âu nghiêm túc xem xét đề xuất này "dựa trên lương tri và những nguyên tắc thường tuyên bố, vì Ukraine đang cần giúp đỡ".
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhận định ý tưởng cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine cần thêm thời gian thảo luận chi tiết. Ông nhấn mạnh NATO cần tiếp tục chứng minh quyết tâm ủng hộ Ukraine bằng hành động chứ không chỉ dừng lại ở phát ngôn.
Tuy nhiên, nhiều bộ trưởng quốc phòng NATO có mặt tại Brussels đã phản đối kế hoạch cử lực lượng vũ trang sang Ukraine gìn giữ hòa bình. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren nhận định "còn quá sớm" để thảo luận về ý tưởng do Ba Lan đề xuất.
"Trước tiên, các bên cần đạt được lệnh ngừng bắn. Chúng ta cần thấy Nga rút quân, cùng một thỏa thuận nhất định giữa Nga và Ukraine. Tôi lưu ý rằng đối thoại vẫn đang diễn ra. Dự tính hành động sau cột mốc đó là cách làm tốt, nhưng chúng ta cần đạt tiến triển trước", bà nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Kalle Laanet nhận định đề xuất của Ba Lan về sứ mệnh gìn giữ hòa bình là "một trong các phương án tiềm năng".
Ông nhận định NATO cần xem xét "mọi khả năng hỗ trợ Ukraine", nhưng ý tưởng cử lực lượng gìn giữ hòa bình cũng cần sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó có Nga là thành viên thường trực nắm phiếu phủ quyết.
NATO trong hơn ba tuần qua đã nhiều lần từ chối can thiệp vào xung đột vũ trang tại Ukraine, kiên quyết không chấp nhận phương án thiết lập vùng cấm bay trên không phận Ukraine.
Chính phủ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng vùng cấm bay do NATO bảo hộ sẽ chấm dứt các vụ oanh kích của quân đội Nga. Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu lại cho rằng họ không thể đưa lực lượng can thiệp vào chiến sự tại Ukraine, tránh nguy cơ đối đầu trực diện với Nga và làm leo thang xung đột.
Các bộ trưởng quốc phòng NATO cam kết duy trì viện trợ vũ khí cho Ukraine thay vì can thiệp trực tiếp, đặc biệt là các hệ thống tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không vác vai. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh NATO sẽ hỗ trợ Ukraine đảm bảo năng lực tự vệ và duy trì mức hỗ trợ này trong tương lai.
Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi vũ trang và phi phát xít hóa Ukraine" ngày 24/2. Sau hơn 20 ngày chiến sự, giao tranh quanh thủ đô Kiev tiếp tục khi Nga tăng áp lực lên các mục tiêu lớn hơn. Liên Hợp Quốc cho biết khoảng ba triệu dân thường Ukraine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã di tản ra nước ngoài để tránh chiến sự.
Các cuộc thảo luận giữa Moskva và Kiev tới nay chưa đạt được thỏa thuận mang tính đột phá nào. Phái đoàn hai nước gặp trực tuyến lần thứ tư vào 15/3, trong đó mục tiêu đàm phán được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề ra là thu xếp một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Moskva chưa bình luận về ý tưởng của ông Zelensky.
Trung Nhân (Theo AFP, CNN)